Bộ LĐTB-XH đã yêu cầu các tỉnh báo cáo tình hình nợ lương để có biện pháp xử lý, đặc biệt trước tết nhằm ổn định quan hệ lao động và tránh để các sự việc leo thang thành ngừng việc tập thể, gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội và thu nhập của người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức công đoàn tại các địa phương cũng có các chính sách hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết, như hỗ trợ vé xe, tàu để họ có thể về quê.
Đồng thời, Công đoàn Việt Nam có vai trò giám sát việc chi trả lương và thực hiện các chế độ phúc lợi cho người lao động, đặc biệt khi có tình trạng nợ lương hoặc vi phạm quyền lợi của người lao động.
Để bảo vệ người lao động, tổ chức công đoàn thường phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo minh bạch về tình hình lương, thưởng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhằm đảm bảo kế hoạch chi trả lương và tránh tranh chấp lao động.
Tổ chức công đoàn ở từng địa phương hỗ trợ công nhân đòi hỏi quyền lợi nếu có vi phạm, trực tiếp thúc đẩy các biện pháp hòa giải khi xảy ra tranh chấp.
Tổ chức công đoàn chăm lo cho người lao động tại TP Đà Nẵng. Ảnh minh họa
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dịp cuối năm, Công đoàn Việt Nam đặc biệt chú trọng đến tình hình của các doanh nghiệp và đời sống người lao động, nhất là vào dịp tết khi nhu cầu tài chính tăng cao và các vấn đề về nợ lương dễ phát sinh. Công đoàn các cấp tích cực tham gia giám sát việc trả lương, thưởng, cùng với các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Theo báo cáo của tổ chức công đoàn, các cuộc tranh chấp lao động thường bùng phát mạnh vào thời điểm cận Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán do áp lực tài chính và nhu cầu chi tiêu cao của người lao động. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, thiếu đơn hàng và không đảm bảo nguồn thu, dẫn đến tình trạng nợ lương hoặc BHXH kéo dài. Nhưng bên cạnh đó cũng có doanh nghiệp “vịn” vào lý do như dịch bệnh hoặc tình hình thế giới để chậm thanh toán lương và các chế độ phúc lợi cho người lao động.
Ví dụ, tại Đồng Nai, Công ty TNHH S. và Công ty TNHH K. đều có số nợ lớn với người lao động. Công ty S. hiện nợ lương 300 triệu đồng cho 50 công nhân và nợ BHXH, bảo hiểm y tế đến 2,8 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty K. cũng bị người lao động kiện ra tòa do từ tháng 7-2024 đã nợ lương và thanh toán không đúng quy định cho 93 công nhân với tổng số tiền đòi quyền lợi hơn 833 triệu đồng.
Để hỗ trợ người lao động tháo gỡ những khó khăn phát sinh này, công đoàn cơ sở đóng vai trò là cầu nối quan trọng, vừa động viên người lao động cùng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, vừa kiên quyết không dung túng cho các sai phạm. Khi cần, như tại Công ty TNHH K., công đoàn cơ sở đã chủ động hỗ trợ người lao động nộp đơn khởi kiện để đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Điều này thể hiện sự quyết liệt của công đoàn trong bảo vệ người lao động tại các doanh nghiệp có nguy cơ hoặc thực tế đã vi phạm nghĩa vụ với người lao động.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đề xuất Chính phủ về việc tạo lập quỹ dự phòng để hỗ trợ người lao động trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng chi trả BHXH. Việc phát hiện và báo cáo kịp thời của công đoàn cơ sở đóng vai trò quan trọng, nhằm hạn chế nguy cơ tranh chấp hoặc đình công trong thời điểm nhạy cảm này.
Tổ chức công đoàn cũng phối hợp Bộ LĐTB-XH theo dõi chặt chẽ tình hình thưởng tết tại các doanh nghiệp. Dự kiến, những doanh nghiệp có tình hình kinh tế ổn định sẽ có mức thưởng tốt hơn cho người lao động trong năm 2024. Các biện pháp giám sát và đối thoại đang được thúc đẩy để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong dịp tết.
PHÚC VĂN