Hoạt động sản xuất những ngày đầu năm 2025 tại Công ty TNHH Kung Kiu (TP.Tân Uyên)
Tín hiệu tích cực
Theo đánh giá của Cục Thống kê, năm 2024 hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi tích cực sau những khó khăn do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ những diễn biến khó lường của tình hình thế giới. Sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng ổn định. Các DN đã tích cực đầu tư vào công nghệ cao, tự động hóa quy trình sản xuất, cũng như nâng cao năng suất lao động. Trên bình diện chung, cộng đồng DN tin tưởng vào triển vọng tốt hơn đối với nền kinh tế nước ta nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trong năm 2 025.
Ông Vũ Thông Hiệp, Trưởng khối hành chính Công ty TNHH Kung Kiu (TP.Tân Uyên), cho biết đến nay công ty đã tuyển dụng được 1.000 công nhân để bảo đảm thực hiện các đơn hàng từ đầu năm 2025. Công ty đã có đơn hàng đến hết quý I-2025. Công ty tổ chức tăng ca theo quy định để bảo đảm đơn hàng giao trong tháng 1-2025 vì đây là thời gian có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. “Chúng tôi đang lên kế hoạch thưởng tết cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động về quê đón tết và trở lại làm việc ổn định sau tết đúng thời gian quy định. Chúng tôi kỳ vọng năm 2025 sẽ có nhiều khởi sắc hơn so với năm 2024”, ông Vũ Thông Hiệp nói.
Theo ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát, những ngày đầu năm 2025 công ty đang nỗ lực để thúc đẩy doanh số tiêu thụ sản phẩm, nhất là dịp cao điểm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường trong năm 2025, công ty tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, màu sắc, kiểu dáng, mẫu mã phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng, những sản phẩm hữu ích, tiện lợi trong cuộc sống hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm trong năm 2025 có khởi sắc song vẫn còn những rủi ro khó đoán định. Sự thay đổi các chính sách thương mại tại một số nền kinh tế lớn của thế giới sau bầu cử như Hoa Kỳ, cạnh tranh giữa các cường quốc về thương mại và công nghệ sẽ tác động lớn đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ổn định sản xuất, tiết giảm chi phí
Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cuối năm 2024 xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều, cải cách hành chính diễn ra mạnh mẽ, đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh… Đối với DN, năm 2024 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và giữ vững phát triển. Đây là những điều kiện tốt để nền kinh tế tỉnh nhà nói chung và cộng đồng DN nói riêng bước vào năm mới với động lực mới để phát triển. “Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, phát triển hạ tầng chiến lược…”, ông Phạm Văn Xô nói.
Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Bcons, chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục bước vào giai đoạn mới với nhiều dự án đầu tư. Điều tiên quyết của chúng tôi là luôn xem nhân sự là tài sản lớn nhất của DN trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có tự động hóa hay chuyển đổi số… Việc đào tạo ra đội ngũ nhân sự có đủ năng lực chuyên môn để thích ứng với việc thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi của xã hội là điều mà DN chúng tôi đặc biệt lưu ý” .
Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát để DN ổn định kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời tích cực đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là chuỗi logistics. Điều này sẽ giúp DN mở rộng thị trường, giảm chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường...
Qua khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của hơn 410 DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh từ cơ quan chức năng mới đây cho thấy, có 31,5% số DN dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I-2025 ổn định hơn so với quý IV-2024, có 48,3% số DN dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định như quý IV-2024.
TIỂU MY