Công chức kiểm lâm tham gia tuần tra và chỉ ranh giới rừng cho người dân bản Cây Sặt (xã Huổi Lếch).
Bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch có diện tích rừng tự nhiên trên 900ha, chủ yếu là rừng tái sinh. Để quản lý và bảo vệ rừng tốt nhất, bản đã thành lập tổ quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng gồm 10 - 15 thành viên do trưởng bản làm tổ trưởng và hoạt động theo quy định chung của bản. Các thành viên có nhiệm vụ cùng với các tổ chức, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về quản lý, bảo vệ rừng, không chặt phá rừng trái phép, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Giàng A Dua, Trưởng bản Cây Sặt chia sẻ: Ðể giữ rừng ngày càng hiệu quả, bản đã thành lập ban quản lý rừng cộng đồng và tổ quản lý, bảo vệ rừng. Chúng tôi còn ban hành hương ước, quy ước bảo vệ rừng huy động bà con trong bản tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Hiện nay, dân bản đã được nhận tiền chi trả DVMTR mỗi năm hơn 800 triệu đồng. Bản trích một phần vào quỹ phục vụ các hoạt động của tổ tuần tra bảo vệ rừng; số tiền còn lại chia cho các hộ. Nhờ được hưởng lợi từ rừng nên cộng đồng bản đều có ý thức, trách nhiệm giữ rừng tốt hơn…”.
Không riêng bản Cây Sặt, tại xã Huổi Lếch có 7/8 bản được giao khoán bảo vệ gần 6.000ha rừng của toàn xã. Để công tác bảo vệ rừng được triển khai hiệu quả, chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ rừng. Ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Huổi Lếch nhấn mạnh: “Hằng năm, chúng tôi bám sát kế hoạch và nhiệm vụ UBND huyện giao. Trên cơ sở đó, UBND xã xây dựng kế hoạch về đảm bảo PCCCR, quản lý và bảo vệ rừng. Đặc biệt là phân công kiểm lâm địa bàn, lực lượng quân sự và công an bám sát địa bàn cơ sở; cùng với đó phối hợp chặt chẽ với các tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng để làm tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Đồng thời luôn đảm bảo chế độ chính sách cho cộng đồng nhằm động viên, khích lệ bà con tích cực tham gia bảo vệ rừng”.
Kiểm lâm địa bàn xã Quảng Lâm cùng tổ bảo vệ rừng bản Chà Nọi 2 áp dụng công nghệ vào tuần tra rừng.
Với diện tích rừng gần 12.000ha, hiện nay, xã Sín Thầu thực hiện giao khoán hơn 9.000ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng cho cộng đồng, cá nhân bảo vệ. Chủ động trong công tác bảo vệ rừng, chính quyền xã thành lập ban chỉ huy PCCCR và các tổ bảo vệ, PCCCR tại các bản. Với nhiệm vụ của bản giao, các thành viên trong tổ thường xuyên theo dõi, giám sát việc đốt dọn nương của bà con, nắm bắt và xử lý kịp thời khi xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng hay tình huống cháy rừng trên địa bàn.
Ông Khoàng Chừ Lòng, bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) chia sẻ: “Chúng tôi được cộng đồng bản tin tưởng giao phó trách nhiệm bảo vệ và quản lý rừng. Cùng với việc tuần tra hàng tháng, các thành viên trong tổ phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương, kiểm lâm địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, tạo chuyển biến trong nhận thức về công tác bảo vệ, PCCCR của bà con. Và hơn thế là chúng tôi đã huy động được sức mạnh của cả cộng đồng bản chung tay giữ rừng ngày càng xanh tốt hơn…”.
Công chức kiểm lâm, công an xã, dân quân tự vệ cùng người dân bản Leng Su Sìn tham gia tuần tra rừng.
Mường Nhé có diện tích tự nhiên gần 160.000ha, trong đó diện tích đất có rừng chiếm hơn 86.000ha. Để phát huy hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn, hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện chủ động tham mưu kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng; nhất là việc phát huy vai trò của các cộng đồng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Đồng thời luân phiên cử các tổ đội công tác phối hợp với tổ, đội tự quản ở các bản tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xâm lấn đất rừng.
Ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé khẳng định: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các xã đã nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; xây dựng, củng cố các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng, PCCCR cấp bản. Chính quyền xã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn, các trưởng bản tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, công tác PCCCR, nâng cao ý thức giữ rừng cho người dân. Nhờ vậy, ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, nhân dân và cộng đồng về công tác giữ rừng đã được nâng lên rõ rệt.
Hiệu quả của sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé đã được minh chứng thông qua việc số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp 9 tháng năm 2024 xảy ra 14 vụ vi phạm, giảm 56,25% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện lên 55,43% (tăng 0,13% tương ứng với diện tích rừng tăng 210,86ha so với hiện trạng rừng năm 2023). Điều đó cho thấy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, vai trò của cộng đồng góp phần quan trọng trong công tác giữ rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé.
Bài, ảnh: Phạm Quang