Khói bốc lên từ địa điểm xảy ra cuộc không kích nhằm vào thành phố Idlib ở phía bắc Syria ngày 2-12. Ảnh: AFP
Trong một phát biểu ngày 2-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller kêu gọi tất cả các nước sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy giảm căng thẳng, bảo vệ dân thường và cuối cùng là đưa tiến trình chính trị tiến lên. Bên cạnh đó, ông Miller khẳng định chính sách của Mỹ đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không thay đổi. Cùng ngày, người phát ngôn bộ phận đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Anouar El Anounicũng kêu gọi "tất cả các bên giảm leo thang" và bảo vệ dân thường.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng tình hình bất ổn ở Syria sẽ được giải quyết bằng một thỏa thuận phù hợp với yêu cầu của người dân nước này. Ông Erdogan cũng nói thêm rằng Ankara đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở quốc gia láng giềng Syria và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ gây hại đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng ngày, phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Iran, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng góp vào cuộc đối thoại giữa chính phủ Syria, người dân và lực lượng đối lập.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức họp khẩn về tình hình Syria trong ngày 3-12. Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Chính phủ Syria, với sự ủng hộ của 3 thành viên châu Phi trong Hội đồng Bảo an LHQ là Mozambique, Sierra Leone và Algeria cùng với Guyana.
Hôm 27-11, lực lượng phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã bất ngờ mở cuộc tấn công lớn và giành được quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ 2 Syria và các khu vực lân cận. Từ đó đến nay, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết số người thiệt mạng trong những ngày giao tranh ở miền Bắc Syria đã tăng lên 514 người, trong đó có 92 dân thường. SOHR cho hay trong số những người thiệt mạng có 268 tay súng thuộc lực lượng HTS và đồng minh, 154 binh sĩ quân đội và các tay súng thân Chính phủ Syria. Giao tranh cũng gây ra tình trạng di tản lớn đột ngột với gần 50.000 người phải sơ tán tính đến ngày 30-11.
Lo ngại tình hình ở Syria, Iraq đã triển khai xe bọc thép để tăng cường an ninh tại biên giới với Syria. Các cuộc tấn công của HTS đã gây lo ngại cho Iraq, nơi vẫn còn chịu tổn thương sau hàng thập kỷ xung đột và bị ảnh hưởng trong thời gian các tay súng thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) càn quét. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Iran, Tướng Moqdad Miri, tuyên bố ngày 2-12: "Bất kỳ hành vi xâm nhập nào tại biên giới Syria - Iraq là điều hoàn toàn không thể, vì có các công sự và các đơn vị chiến đấu được triển khai tại đây". Bộ Quốc phòng Iran cho biết các đơn vị xe bọc thép của quân đội Iraq đã được điều động để tăng cường cho khu vực biên giới, từ thị trấn biên giới Al-Qaim ở phía Tây đến vùng biên giới với Jordan ở phía Nam. Các lực lượng tương tự cũng đã triển khai dọc biên giới phía Bắc ở tỉnh Nineveh.
Theo Reuters, động thái này diễn ra sau khi SOHR nói rằng rằng 200 tay súng thuộc một nhóm vũ trang thân Iran tại Iraq đã được cử sang Syria để hỗ trợ lực lượng chính phủ. Hàng trăm binh lính thuộc lực lượng dân quân Iraq đã hành quân trong đêm đến Syria để giúp chính phủ nước này chống lại quân nổi dậy chiếm đóng vùng Aleppo.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết Quân đội Mỹ đã kích hoạt một kênh liên lạc với Nga về những diễn biến gần đây ở Syria. "Và một lần nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với các quốc gia trên khắp khu vực để tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình", ông nói.
B.N