Cộng đồng trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa

Cộng đồng trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa
2 giờ trướcBài gốc
Trò diễn Tú Huần (xã Quảng Yên) tham gia Giao lưu văn hóa - nghệ thuật truyền thống huyện Quảng Xương năm 2024.
1. Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn tọa lạc tại làng Trung Lập (xã Xuân Lập, Thọ Xuân), là ngôi làng Việt cổ khá điển hình ở đồng bằng châu thổ Bắc Trung bộ, vùng “đất quý hương” sinh ra Hoàng đế Lê Đại Hành - Anh hùng dân tộc, người đặt nền móng xây dựng quốc gia Đại Việt hưng thịnh. Là một trong những ngôi đền cổ bậc nhất xứ Thanh, đền thờ Lê Hoàn hiện còn lưu giữ được kiến trúc nghệ thuật và nhiều hiện vật cổ, có giá trị lớn về lịch sử - văn hóa như bia đá, sắc phong, lệnh chỉ, đĩa đá trắng, chén - đũa màu bạc, chóe sứ, đôi bát sứ, câu đối, các hoa văn chạm khắc tinh xảo trên gỗ...
Nổi bật nhất trong số các hiện vật cổ này là chén - đũa làm bằng hợp kim màu bạc và chiếc đĩa đá trắng. Chiếc đĩa đá trắng tương truyền là vật phẩm mà vua nhà Tống tặng cho vua Lê Đại Hành, được gọi là “Ngọc tuyết”. Trong lòng đĩa khắc chìm hai dấu triện cùng dòng chữ Hán: “Giang Nam nhất phiến tuyết, trác khí vạn niên trân”, tạm dịch nghĩa là: “Tỉnh Giang Nam có phiến đá trắng như tuyết, làm chiếc đĩa vạn năm trân trọng”. Trước đây, đĩa được đặt trang trọng trên ban thờ vua, có màu trắng trong, trong bóng tối có thể tự phát sáng. Về đôi đũa - chén làm bằng hợp kim màu bạc, tương truyền là vật dụng của vua. Đôi đũa dùng để thử độc trước khi nhà vua dùng bữa. Đũa được đựng trong một ống đồng có đế trụ, thân ống có chạm khắc hoa văn tinh xảo, đẹp mắt.
Được biết, trước đây, các hiện vật cổ được lưu giữ ngay tại đền thờ Lê Hoàn. Tuy nhiên, nhiều lần bị kẻ gian “dòm ngó”, tìm cách đánh cắp nên chính quyền địa phương và bà con Nhân dân luôn phải đề phòng, nâng cao cảnh giác. Trước thực tế đó, từ năm 2017 một số hiện vật đã được đưa về UBND xã Xuân Lập lưu giữ, bảo quản. Việc làm này được người dân rất đồng tình, tin tưởng, ủng hộ. Theo đó, UBND xã đã bố trí một phòng đặc biệt để lưu giữ, bảo quản hiện vật. Phòng có 2 lớp cửa, do 3 người giữ chìa khóa. Nếu muốn mở căn phòng này hay tiếp xúc với hiện vật thì phải có sự chứng kiến của cả 3 người; tuy nhiên việc tiếp xúc với các cổ vật cũng rất hạn chế.
Việc di chuyển các hiện vật cổ từ đền thờ Lê Hoàn về UBND xã lưu giữ, bảo quản không phải là hành trình dài nếu tính theo khoảng cách địa lý thực tế. Nhưng phần nào cho thấy bước chuyển cả trong tư duy lẫn hành động của chính quyền và Nhân dân địa phương đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập Tống Cảnh Tiến chia sẻ: “Xuân Lập là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, lắng đọng giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Đây là niềm vinh dự, tự hào không phải địa phương nào cũng có được. Vì thế, song song với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền và Nhân dân xã Xuân Lập luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống mà cha ông để lại”.
Trải qua biết bao thời gian cùng biến động lịch sử, đền Lê Hoàn vẫn bền bỉ sức sống; những hiện vật cổ của đền vẫn được chính quyền và các thế hệ người dân nơi đây qua các thời kỳ chung sức, đồng lòng gìn giữ như “báu vật của làng”. Bởi trong sâu thẳm mỗi người đều nhận thức sâu sắc rằng: “Những điều quý giá ấy, một khi mất đi sẽ chẳng bao giờ tìm lại được, chẳng gì có thể bù đắp được”.
2. Xác định bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa là một trong những “hạt nhân” quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển, những năm qua huyện Quảng Xương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các giải pháp với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện cũng đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa lan tỏa, đi vào chiều sâu không thể không nói đến vai trò của người đứng đầu, Quảng Xương đã tích cực chỉ đạo, quán triệt đến đội ngũ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở phải quan tâm sâu sát, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 336/NQ-HĐND về việc phê chuẩn phân bổ ngân sách cấp huyện năm 2024 ban hành ngày 21/12/2023, HĐND huyện Quảng Xương đã quan tâm phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn, cụ thể như: hỗ trợ kinh phí cho xã Quảng Hợp lập hồ sơ, xây dựng video lễ hội đền Trần Nhật Duật để đề nghị công nhận hát nhà trò Văn Trinh thuộc lễ hội đền Trần Nhật Duật là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; mở lớp truyền dạy về hát nhà trò Văn Trinh và trò diễn Tú Huần (Quảng Yên)... Đây là một trong những việc làm thiết thực góp phần đưa hát nhà trò Văn Trinh chạm tay vào danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 4/2024.
Nhiều năm qua, huyện Quảng Xương phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân làm tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương như: hát nhà nhà trò Văn Trinh (xã Quảng Hợp); trò diễn Tú Huần, Quân Thuyền (thuộc Ngũ trò Thiên Linh, xã Quảng Yên); hát chèo; hát giao duyên cửa đình ở Quảng Nham... Song song với đó, huyện chú trọng, thúc đẩy việc xây dựng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) văn hóa - văn nghệ truyền thống, dân ca dân vũ gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng gần 30 CLB văn hóa - văn nghệ hoạt động sôi nổi, tích cực, hiệu quả. Đối với các “hạt nhân”, nhân tố tích cực tham gia, có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển, huyện có các hình thức khen thưởng, tôn vinh nhằm động viên, khích lệ...
Bám sát chức năng, nhiệm vụ, trên tinh thần nỗ lực, cố gắng, năng động, sáng tạo, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Quảng Xương đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Trung tâm hướng dẫn các CLB tổ chức các hoạt động quần chúng vào dịp lễ, tết với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong năm 2024, trung tâm tổ chức thành công chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ truyền thống huyện Quảng Xương quy tụ 300 diễn viên, nghệ nhân, nhạc công đến từ các đội thi của 20 đơn vị xã, thị trấn trên địa bàn; hướng dẫn các đội xây dựng, tập luyện các tiết mục tham gia Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, xuất sắc giành 3 giải A, 4 giải B. Trung tâm còn phối hợp với các xã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy hát nhà trò Văn Trinh, các trò diễn Tú Huần, Quân Thuyền...
Giám đốc Trung tâm Dương Thị Tường Vân cho biết: “Các hoạt động văn hóa - văn nghệ đã góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương. Trong những giai đoạn tiếp theo, trung tâm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các địa phương tổ chức thêm các lớp tập huấn, trao truyền, để huyện Quảng Xương ngày càng có nhiều hơn nữa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, các nghệ nhân được công nhận, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy du lịch”.
Các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống được xem như là những chỉ dấu quan trọng để chúng ta hôm nay có “điểm tựa”, có cơ sở lần tìm về nguồn cội. Hiểu để yêu, trân trọng nhiều hơn, để mỗi bước đi trên hành trình ấy luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc tiếp nối, trao truyền và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa quý giá ấy.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/cong-dong-trach-nhiem-bao-ton-phat-huy-gia-tri-lich-su-van-hoa-230520.htm