Cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
7 giờ trướcBài gốc
Công viên Lê Duẩn ở thành phố Đông Hà -Ảnh: Đ.T
Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn đã ngược xuôi kênh rạch rừng U Minh, Đồng Tháp Mười... khảo sát, nắm bắt tình hình. Với tầm nhìn sâu rộng, qua thực tiễn chiến trường, đồng chí Lê Duẩn đã báo cáo ra Trung ương về tình hình Nam Bộ, các đặc điểm của cách mạng Việt Nam, trăn trở suy nghĩ để đóng góp ý kiến chuẩn bị Văn kiện Trung ương trình Đại hội Đảng sắp tiến hành ở Việt Bắc. Nhiều ý kiến đề xuất của đồng chí Lê Duẩn từ chiến trường, quan điểm về vai trò của nông dân, trí thức của cách mạng dân tộc dân chủ; về một số chính sách lớn của Đảng cần ban hành và được thể hiện tại Văn kiện Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951.
Trên cương vị là người lãnh đạo chủ chốt của “Thành đồng Tổ quốc”, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với tập thể Xứ ủy Nam Bộ, sau đó với Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề cơ bản và cấp bách lúc bấy giờ. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân, củng cố vững chắc liên minh công nông và thực hiện triệt để chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đã thực hiện được tính chất toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.
Gắn bó với đồng chí và đồng bào miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo quân và dân Nam Bộ tiến hành kháng chiến ròng rã trên 3.000 ngày đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng, lập nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cảm phục về sự hoạt động nhiệt thành, lối tư duy năng động, sáng tạo và trí tuệ uyên bác nên nhiều trí thức yêu nước, cán bộ cách mạng và đồng bào Nam Bộ đã ví đồng chí Lê Duẩn như “ngọn đèn hai trăm nến” để tôn vinh trí tuệ sáng suốt và sự chỉ đạo sâu sát, mưu lược của đồng chí.
9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng. Đế quốc Mỹ mưu toan thực hiện ý đồ chiến lược toàn cầu phản cách mạng và miền Nam Việt Nam được chúng chọn làm địa bàn thực hiện cuộc phản kích chiến lược. Trong lúc nhiều người bịn rịn chia tay người thân tập kết ra miền Bắc, được Bác Hồ và Trung ương Đảng đặc biệt tin tưởng cho ở lại miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã bí mật hoạt động, gây dựng phong trào, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài. Suốt hơn 800 ngày đêm trong điều kiện bị địch vây lùng và khủng bố vô cùng tàn khốc, nhờ sâu sát thực tế và trí tuệ nhạy cảm, am hiểu tường tận tình hình, cảm nhận sâu sắc truyền thống yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp hòa bình, thống nhất của nhân dân Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn đã đánh giá đúng xu hướng vận động của tình hình và soạn thảo văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam”.
Giữa năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội công tác. Đồng chí được giao chuẩn bị nghị quyết về đường lối giải phóng miền Nam. Là người hiểu rõ tình hình miền Nam, lại là người được Bác Hồ giao trách nhiệm cao trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, song đồng chí Lê Duẩn luôn tích cực lắng nghe và thúc đẩy các cuộc trao đổi ý kiến để đạt được sự nhất trí cao trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, tiến tới ra Nghị quyết 15. Nghị quyết 15 là kết tinh trí tuệ sáng tạo của Đảng và đồng chí Lê Duẩn. Khắp miền Nam, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đón tiếp Nghị quyết 15 như “đang nắng hạn gặp mưa rào”, đã vùng lên chuyển từ thế đấu tranh chính trị thành thế chủ động tiến công địch trên các vùng, giành thắng lợi từng bước và tiến lên đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Đường lối độc lập tự chủ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III vạch ra, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất của Đảng - đồng chí Lê Duẩn - đã phát huy đầy đủ sức mạnh của dân tộc, của thời đại, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của đất nước ta bước sang trang mới.
Cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân năm 1968 là một sáng tạo đặc sắc trong nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt Nam. Chiến lược tiến công sắc sảo của đồng chí Lê Duẩn cũng thể hiện trong quyết định của tập thể Bộ Chính trị mở cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân năm 1968 nhằm đánh sập ý chí xâm lược của địch. Ta đồng loạt đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy, đặc biệt ở Sài Gòn, trong đó đánh thẳng vào tòa Đại sứ Mỹ và hàng chục thành phố miền Nam là một đòn chiến lược bất ngờ làm chấn động cả nước Mỹ, thúc đẩy phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.
Đặc biệt, từ tháng 9/1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã đem hết năng lực, trí tuệ, tài nghệ lãnh đạo chiến tranh cách mạng, cùng với toàn Đảng, toàn dân ta đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Khi Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn, ta kịp thời tập trung quân chủ lực mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, rồi chiến dịch giải phóng Quảng Trị, thu hút quân Mỹ và chủ lực ngụy, tạo cho chiến trường Khu V và Nam Bộ phát triển. Thất bại liên tiếp, từ giữa năm 1972, Mỹ- ngụy dồn sức mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị, tập trung không quân suốt 12 ngày đêm đánh phá dữ dội miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, hòng làm Đảng ta và nhân dân miền Bắc phải chấp nhận cái giá phải trả trên bàn đàm phán, nhưng thực tế là ngược lại. 12 ngày đêm địch đánh phá, Bộ chỉ huy tối cao và người đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn không rời Hà Nội một ngày, trực tiếp chỉ đạo và chứng kiến thắng lợi lừng lẫy ghi vào lịch sử trận “Điện Biên Phủ trên không”. Trong cuộc đấu lý quyết liệt trên mặt trận ngoại giao, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo một nguyên tắc chiến lược cho đàm phán nhất định không nhân nhượng là: “Mỹ phải rút hết quân ở miền Nam Việt Nam, còn quân ta ở lại”.
Đúng như dự đoán của đồng chí Lê Duẩn, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam từ năm 1973-1974 có những chuyển biến mới, đã tạo nên thời cơ. Bộ Chính trị đã mở 2 hội nghị liên tiếp (từ tháng 9 và 10/1974 đến 12/1974) với sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn. Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch chiến lược 2 năm (1975-1976), nhưng còn dự kiến một phương án khác thời gian ngắn: Nếu thời cơ đến vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Về thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng tư năm này, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp.
Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc. Phát huy sức mạnh của cả ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra. Trên từng hướng và trong từng trận, phải tập trung lực lượng áp đảo, tiêu diệt gọn, làm tan rã nhanh quân địch; tận dụng thời cơ và thuận lợi mới mà dồn dập tiến công, phát triển thắng lợi”...
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiều 26/4/1975, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng bắt đầu. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi trọn vẹn.
Đan Tâm (tổng hợp)
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/cong-hien-to-lon-cua-tong-bi-thu-le-duan-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-193309.htm