Công nghệ 5G đang định hình nền kinh tế tương lai như thế nào?

Công nghệ 5G đang định hình nền kinh tế tương lai như thế nào?
2 giờ trướcBài gốc
Ông Gaurav Korde, Giám đốc phụ trách thị trường châu Á - đối tác tại Nokia Bell Labs Singapore, phân tích việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam giúp đóng góp vào việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi các ngành công nghiệp trọng yếu và giúp Việt Nam phát triển trở thành một quốc gia dẫn đầu về công nghệ số ở khu vực Đông Nam Á như thế nào.
Tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ số ở khu vực Đông Nam Á sẽ được hỗ trợ bởi tiềm năng đột phá của công nghệ 5G.
Theo ông Gaurav Korde, 5G không chỉ đơn thuần là một công nghệ di động mới với tốc độ kết nối cao hơn mà còn góp phần định hình nền kinh tế tương lai của quốc gia.
Theo nghiên cứu của Bell Labs Consulting, các khoản đầu tư vào mạng di động có tác động mạnh mẽ đến GDP bình quân đầu người.
Chỉ cần tăng 1% vốn đầu tư ban đầu vào mạng di động hay khi mật độ thuê bao gia tăng 1% cũng có thể giúp GDP bình quân đầu người tăng trưởng từ 0,25% đến 0,6%.
Chúng ta đã từng thấy điều đó diễn ra ở Việt Nam - khi mật độ thiết bị di động tăng từ 20% lên 80%, GDP bình quân đầu người đã tăng khoảng 1.500 USD. Điều đó minh chứng một cách rõ ràng về tầm quan trọng của mạng 5G trong việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, các ứng dụng AI đang làm gia tăng đáng kể lưu lượng truy cập mạng diện rộng (mạng WAN) toàn cầu và trong bối cảnh đó, công nghệ 5G mang lại cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng nhu cầu dữ liệu khổng lồ này.
Theo dự báo của Bell Labs, các ứng dụng AI sẽ chiếm một tỷ trọng đáng kể của lưu lượng mạng diện rộng, (WAN) toàn cầu vào năm 2030, khi các ứng dụng AI di động có thể chiếm tới 36%.
Định hình tương lai số của Việt Nam
Trí tuệ Nhân tạo đang tạo ra những bước đột phá trong các ngành công nghiệp và việc tích hợp AI với 5G sẽ khuếch đại tác động đó lên gấp nhiều lần.
Các ứng dụng AI, đặc biệt là những ứng dụng đòi hỏi độ trễ thấp và khả năng xử lý theo thời gian thực, có thể được nâng cấp đáng kể nhờ vào tốc độ siêu nhanh của 5G và khả năng chia sẻ mạng (network slicing). Sự kết hợp này tạo ra một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông minh và linh hoạt hơn.
Đối với lĩnh vực sản xuất, các nhà máy thông minh được 5G hỗ trợ được kỳ vọng sẽ tăng năng suất lên đến 25% thông qua khả năng giám sát thời gian thực và kiểm soát chất lượng. Tương tự như vậy, ngành năng lượng có thể ứng dụng 5G để tối ưu hóa hiệu suất lưới điện.
Trong lĩnh vực tài chính, việc tự động hóa các dịch vụ tài chính dựa trên công nghệ 5G có thể góp phần đồng bộ hóa quy trình, hạ thấp chi phí vận hành và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Chiến lược tạo doanh thu từ 5G
Theo dự báo, đến năm 2028, ngành công nghệ sẽ tạo doanh thu tới 25 tỷ USD chỉ riêng từ 5G, chiếm 20% tổng doanh thu công nghệ của cả nước. Rõ ràng các lĩnh vực như sản xuất, năng lượng và tài chính sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ những tiến bộ này.
Để đảm bảo sự thành công cho chiến lược 5G, tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cân đối việc phân bổ phổ tần số và tạo ra một môi trường kiến tạo cho đổi mới sáng tạo.
Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) đã đóng vai trò quan trọng trong việc cấp phép sử dụng tần số và thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai 5G trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, việc các nhà mạng Việt Nam đấu giá phổ tần 5G gần đây ở các băng tần 2,5-2,6GHz và 3,8-3,9GHz cũng mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển mở rộng. Tuy nhiên, những thách thức như việc đồng tồn tại của các băng tần 3,4-3,6GHz với các dịch vụ vệ tinh và radar cần phải được giải quyết.
MIC đã có các bước đi chủ động trong việc tắt sóng dần các mạng 2G và phân bổ lại tần số cho các ứng dụng 5G. Đồng thời, sự hợp tác giữa chính phủ, các nhà mạng viễn thông và khu vực tư nhân có ý nghĩa rất quan trọng để vượt qua áp lực chi phí lớn của việc triển khai 5G và đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Nền tảng sẵn sàng cho tương lai
Thông qua tăng cường ứng dụng AI, cách tân các ngành công nghiệp và tạo ra các nguồn doanh thu mới, 5G sẽ góp phần tạo dựng nền tảng để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đi đầu về môi trường số trong tương lai ở khu vực Đông Nam Á.
Với tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về kết nối và chuyển đổi số, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng chưa từng có, cách tân các ngành công nghiệp chủ chốt và đạt được những trình độ mới về phát triển kinh tế xã hội một cách ổn định./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-5g-dang-dinh-hinh-nen-kinh-te-tuong-lai-nhu-the-nao-post993624.vnp