Trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn tiến tới xã hội "không có trẻ em nào bị mất vì nạn buôn người", các công nghệ mới như nhận dạng DNA, trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận diện khuôn mặt đã trở thành những công cụ thiết yếu.
Trong những năm gần đây, những đột phá về công nghệ cao này, kết hợp với cam kết mạnh mẽ của quốc gia, đã giúp các nỗ lực chống buôn người diễn ra nhanh và chính xác hơn, mang lại hy vọng mới cho các gia đình đang tìm kiếm người thân bị thất lạc từ lâu.
Cuộc săn tìm DNA
Năm 2007, Deng Yajun tiến hành xét nghiệm DNA cho 25 cặp gia đình tiềm năng và trẻ em gặp nhau tại một sự kiện tìm kiếm gia đình ở Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô. Kết quả không như ý khi không có gia đình nào được đoàn tụ.
"25 cặp gia đình tiềm năng đã chuẩn bị nhận người thân của họ tại sự kiện vì họ nghĩ rằng đã khớp một số thông tin cơ bản với nhau. Chúng tôi yêu cầu họ chờ và đợi tiến hành xét nghiệm ADN để xác định danh tính cuối cùng. Thật không may, hóa ra không có cặp nào trong số họ có quan hệ họ hàng", Deng nói với Global Times.
Sau cuộc tìm kiếm thất bại, Deng, người hiện là một trong những chuyên gia xét nghiệm DNA xác định quan hệ cha con đầu tiên của Trung Quốc và là người sáng lập Viện Bằng chứng DNA Trung Chính Bắc Kinh, cảm thấy sự cấp bách của viện thành lập một ngân hàng dữ liệu DNA.
Một cảnh sát tiến hành xét nghiệm DNA đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia. Ảnh: VCG.
Xét nghiệm DNA hiện là công nghệ tiên tiến và chính xác nhất để xác định quan hệ cha con. Do đó, công nghệ này đóng vai trò quyết định trong việc giúp cha mẹ và những đứa con bị bắt cóc tìm thấy nhau.
Hợp tác với Baobei Huijia, một tổ chức phi lợi nhuận lớn tại Trung Quốc chuyên tìm kiếm những người đã mất liên lạc với gia đình, cơ sở dữ liệu DNA của Deng được lập nên nhằm mục đích giúp mọi người tìm lại gia đình đã thất lạc từ lâu của mình.
Cho đến nay, ngân hàng này đã thu thập được hơn 2.000 mẫu DNA, phần lớn trong số đó đến từ những người đã mất liên lạc với gia đình vào những năm 1960.
Khoảng 2 năm sau khi Deng thành lập cơ sở dữ liệu này, Bộ Công an Trung Quốc cũng quyết định xây dựng một cơ sở dữ liệu DNA quốc gia để chống lại nạn buôn bán trẻ em.
Vào cuối năm 2009, cơ sở dữ liệu lần đầu phát huy tác dụng khi báo cáo trường hợp thành công đầu tiên. Một bé gái bị bắt cóc, tên là Xi Xi, ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, đã đoàn tụ với gia đình thông qua xét nghiệm này.
Theo Deng, cho đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia này đã chứa số lượng mẫu DNA từ hàng trăm nghìn phụ huynh có con bị lạc hoặc bị bắt cóc.
Khi tìm thấy một đứa trẻ bị lạc, cảnh sát sẽ thu thập mẫu DNA của đứa trẻ và thêm vào cơ sở dữ liệu để tiến hành so sánh với hàng trăm nghìn mẫu có sẵn.
Xét nghiệm DNA hiện là công nghệ tiên tiến và chính xác nhất, đóng vai trò quyết định trong việc giúp cha mẹ và những đứa con bị bắt cóc tìm thấy nhau. Ảnh: New York Times.
Nếu mẫu của cha mẹ đứa trẻ có trong cơ sở dữ liệu, chúng sẽ được khớp. Trường hợp không có kết quả nào trùng khớp, mẫu DNA của đứa trẻ sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu cho đến khi các mẫu DNA của cha mẹ mới được thêm vào.
"Trong một số trường hợp, DNA còn có thể xác nhận mối quan hệ cha con giữa đứa trẻ và một cặp cha mẹ trong cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, nếu không tìm thấy bất kỳ sự trùng khớp nào với đứa trẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia, chúng ta cần phải điều tra và khảo sát thêm từ cảnh sát để tìm những người thân tiềm năng khác của đứa trẻ và tiến hành xét nghiệm DNA để xác định", bà Deng giải thích.
Những cuộc đoàn tụ hành phúc
"Liệu nó có được ăn đủ chưa? Nó thế nào rồi? Nó còn sống không? Nó đang ở đâu?".
Trong 14 năm qua, những câu hỏi này cứ quanh quẩn trong tâm trí Tôn Hải Dương. Năm 2007, cậu con trai ba tuổi của anh, Tôn Trác, đã bị bắt cóc bên ngoài cửa hàng ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và khiến gia đình tan nát.
Từ đó trở đi, cuộc sống của Tôn Hải Dương chỉ xoay quanh một nhiệm vụ là tìm Tôn Trác. Hành trình tìm con của Tôn Hải Dương nhanh chóng chiếm được trái tim của mọi người trên khắp đất nước và thậm chí còn trở thành một phần của bộ phim.
Cuối cùng, sự tra tấn về cả tinh thần và thể xác của Tôn Hải Dương đã kết thúc vào ngày 6/12/2021. Ngày hôm đó, anh và vợ đã ôm con trai đoàn tụ trong vòng tay trước sự chứng kiến của cảnh sát.
3 năm sau, Tôn Hải Dương nhận lời chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu chi tiết về cách công nghệ đã được sử dụng để tìm kiếm các thành viên gia đình mất tích.
"Tôn Trác đã được tìm thấy thông qua công nghệ nhận diện khuôn mặt", anh Dương giải thích.
Cụ thể, công nghệ này sử dụng ảnh thời thơ ấu để dự đoán sự tương đồng của đứa trẻ khi trưởng thành. Dữ liệu này sau đó được đối chiếu với dữ liệu trong hệ thống cảnh sát.
Khi Tôn Trác, cậu bé lớn lên với một danh tính khác ở tỉnh Sơn Đông, nộp đơn xin làm thẻ căn cước lần đầu tiên, thông tin của cậu đã được đưa vào hệ thống quốc gia. Sau khi sàng lọc kỹ lưỡng, cảnh sát xác định cậu chính là con trai thất lạc của Tôn Hải Dương.
Cảnh sát Trung Quốc thu thập mẫu DNA của học sinh. Ảnh: New York Times.
"Hộ khẩu của Tôn Trác khi đó được đăng ký tại Bắc An, tỉnh Hắc Long Giang, cách Thâm Quyến khoảng 3.800 km. Nếu không có các công cụ công nghệ cao, gần như không thể xác định chính xác vị trí trong các trường hợp thất lạc liên tỉnh như thế này", Tôn Hải Dương cho biết.
Ngay cả sau khi kết thúc nhiệm vụ đau đớn của mình, Tôn Hải Dương cam kết giúp đỡ những người khác vẫn đang tìm kiếm người thân của họ.
Theo anh, công nghệ càng phát triển sẽ giúp các yêu cầu giảm xuống. Từ việc cần ảnh rõ nét của trẻ em từ 3-5 tuổi, hiện nay chỉ với ảnh từ thời thơ ấu hoặc ảnh của người thân là đã có kết quả đối chiếu gần đúng.
Ngay cả đối với những trường hợp không có ảnh của trẻ em bị bắt cóc, chính quyền vẫn có thể so sánh các đặc điểm từ cha mẹ hoặc họ hàng thân thiết để tìm kiếm trong hệ thống.
Anh Tuấn