Công nghệ dẫn đầu đà lao dốc; Dầu 'bốc hơi' nhẹ

Công nghệ dẫn đầu đà lao dốc; Dầu 'bốc hơi' nhẹ
2 ngày trướcBài gốc
S&P 500 đứt chuỗi tăng điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 mất 0,21% xuống 5.937,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,89% còn 19.338,29 điểm. Chỉ số Dow Jones hạ 68,42 điểm, tương đương 0,16%, xuống 43.153,13 điểm.
Cổ phiếu Apple bốc hơi 4%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 5/08/2024. Cổ phiếu Tesla trượt hơn 3%. Cổ phiếu Nvidia rớt gần 2% và cổ phiếu Alphabet lùi 1%.
Các chỉ số chính đã xóa sách mức tăng đầu phiên, nhờ váo báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Morgan Stanley công bố kết quả lợi nhuận vượt kỳ vọng, qua đó đưa cổ phiếu ngân hàng này tăng 4%. Bank of America cũng có lợi nhuận vượt kỳ vọng, nhưng cổ phiếu lại giảm 1%. Những báo cáo này được công bố một ngày sau khi các tổ chức tài chính khác như JPMorgan Chase và Goldman Sachs cũng công bố kết quả kinh doanh quý 4/2024 tốt hơn dự báo.
Mùa báo cáo lợi nhuận nhìn chung đã có khởi đầu mạnh mẽ, với 77% số công ty đã báo cáo vươth kỳ vọng cho đến nay, theo FactSet.
Phố Wall vừa trải qua phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 11/2024 vào thứ Tư (15/1), với Dow Jones tiến hơn 700 điểm, còn S&P và Nasdaq Composite lần lượt thêm 1,8% và 2,5%. Sự cải thiện vừa phải về lạm phát cốt lõi trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12/2024 của Mỹ bà báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ từ các ngân hàng lớn đã thúc đẩy đợt leo dốc này.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh so với mức đỉnh 14 tháng đã đạt được vào đầu tuần, khép phiên quanh mức 4,615%.
Dầu rớt giá sau khi chạm đỉnh nhiều tháng
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 74 xu, tương đương 0,9%, xuống 81,29 USD/thùng, sau khi tăng 2,6% trong phiên trước đó lên mức cao nhất kể từ ngày 26/7/2024.
Hợp đồng dầu WTI mất 1,36 USD, tương đương 1,7%, còn 78,68 USD/thùng, sau khi tăng 3,3% trong phiên trước đó lên mức cao nhất kể từ ngày 19/7/2024.
Chính quyền ông Biden vào hôm 15/1 đã áp đặt hàng trăm lệnh trừng phát nhắm vào các cơ cở công nghiệp quân sự và kịch bản trốn thuế Nga, sau khi trước đó đã áp dụng các lệnh trừng phạt rộng hơn đối với các nhà sản xuất dầu và tàu chở dầu của Nga. Các khách hàng hàng đầu của Moscow hiện đang tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế trên toàn cầu, trong khi giá vận chuyển cũng tăng vọt.
Với việc ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 20/1, thị trường đang chờ đợi xem phản ứng từ chính quyền Mỹ sắp tới về vấn đề trừng phạt.
Giá dầu cũng có thể thể dẫn đến xung đột giữa ông Trump và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nếu Tổng thống mới hành động theo chiến lược trước đây của ông.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã yêu cầu nhóm các nhà sản xuất kìm hãm giá bất cứ khi nào giá dầu Brent tăng lên khoảng 80 USD/thùng.
OPEC và các đồng minh, gọi chung là nhóm OPEC+, vốn đã cắt giảm sản lượng của 2 năm qua, có thể sẽ thận trọng trong việc tăng nguồn cung bất chất đà tăng giá dầu gần đây.
Cũng góp phần hỗ trợ giá dầu, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 15/1 cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm trong tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, khi xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 2 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn so với dự báo giảm 992.000 thùng từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters, và làm tăng thêm triển vọng nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Trong khi đó, kìm hãm đà tăng giá dầu, Israel và Hamas đã thống nhất một thỏa thuận nhằm chấm dứt giao tranh ở Gaza, trao đổi con tin Israel đổi lấy tù nhân Palestine.
Về mặt nhu cầu, nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng 1,2 triệu thùng trong 2 tuần đầu tiên của năm 2025 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn một chút so với kỳ vọng.
Các chuyên gia đã dự báo nhu cầu dầu tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong những tuần tới, do hoạt động đi lại tăng cao ở Ấn Độ, nơi đang diễn ra một lễ hội lớn, cũng như hoạt động đi lại đón Tết Nguyên đán ở Trung Quốc vào cuối tháng Giêng năm 2025.
Yên Huỳnh
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/cong-nghe-dan-dau-da-lao-doc-dau-boc-hoi-nhe-post119926.html