Đào tạo nhân lực điện hạt nhân phải mất hàng chục năm
Tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân sáng 2/1, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cuối tháng 11 vừa qua, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ông nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn, đúng, trúng và phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi, nhu cầu về năng lượng tăng lên rất nhanh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam, song nguồn năng lượng truyền thống không còn dư địa phát triển.
Nhân lực là khâu mấu chốt để phát triển điện hạt nhân.
Hiện thủy điện hết dư địa, điện than gây phát thải lớn, các nguồn điện khác như điện gió, mặt trời phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ khoa học, kỹ thuật như: công nghệ lưu trữ năng lượng điện, truyền tải điện bằng hệ thống lưới điện thông minh...
Một trong những vấn đề lớn để phát triển điện hạt nhân là vấn đề nhân lực. Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cho biết, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật hàng đầu.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và của một số tập đoàn quốc tế, nhu cầu nhân lực cho tổ chức vận hành một nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy, công suất khoảng 2x1.000 MWe (2.000 MWe) cần khoảng 600-1.200 người có trình độ từ trung cấp đến đại học, thuộc các chuyên ngành khác nhau.
Yêu cầu về thời gian đào tạo cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một số vị trí quan trọng trong nhà máy điện hạt nhân có thể phải từ 5-10 năm.
Trong điều kiện Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, thì cần khoảng 1.200 người cho các vị trí như: kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, quản lý và lãnh đạo nhà máy, vận hành khai thác - điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác... Như vậy, trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.
Ngoài số nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhà máy điện hạt nhân nêu trên, kinh nghiệm của một số nước cho thấy, cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển, các chuyên gia chu trình nhiên liệu... phục vụ nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.
PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM, nhìn nhận, việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị hàng chục năm, hoặc hơn trước khi đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành.
Do đó, bà đề xuất Bộ Công Thương cần chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các nội dung có liên quan điện hạt nhân và lượng tử vào chuẩn chương trình đào tạo các ngành có liên quan đến những vị trí nhân lực cần thiết trong 1 nhà máy điện hạt nhân, từ giai đoạn quản lý dự án, xây dựng nhà máy đến giai đoạn vận hành nhà máy.
Đặc thù công nghệ phức tạp dẫn đến khan hiếm nhân lực
Theo TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), đội ngũ nhân lực sẽ là yếu tố quyết định trong việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như các dự án năng lượng trọng điểm khác của Việt Nam trong tương lai.
Nhu cầu lớn, song ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam đang đối mặt với khó khăn từ việc thu hút nhân tài đến nâng cao trình độ chuyên môn do đặc thù công nghệ phức tạp và yêu cầu cao khiến lĩnh vực này không hấp dẫn sinh viên trẻ. Hơn nữa, mức thu nhập chưa tương xứng làm giảm sức hút đối với những người mới vào nghề.
Việc khan hiếm nhân lực ngành nguyên tử hạt nhân đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh dự án Ninh Thuận được tái khởi động.
Vị chuyên gia này cho rằng, trước đây, Chính phủ đã triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân bằng cách đào tạo tại các trường đại học trong nước, hoặc gửi ra các nước tiên tiến.
Thời điểm đó, hàng trăm cán bộ, sinh viên được đào tạo chuyên ngành dài hạn ở Nga và tập huấn ngắn hạn ở Nhật Bản, Pháp, Hungary nhằm chuẩn bị một đội ngũ chuyên môn bước đầu đủ về số lượng cần thiết có thể tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Riêng Nhật Bản đã đào tạo cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một đội ngũ cán bộ khung của nhà máy Ninh Thuận số 2 gồm 32 cán bộ. Nhiều người trong số đó được tiếp tục đào tạo để trở thành những cán bộ đủ năng lực tham gia trực tiếp phục vụ xây dựng và vận hành hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận (nếu dự án không dừng lại), hoặc thành chuyên gia giỏi về điện hạt nhân.
Không chỉ cần tính toán việc đào tạo nhân lực mà còn phải chuẩn bị cơ chế để thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo từ Liên bang Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác quay lại làm việc trong lĩnh vực này. Cần thu hút các sinh viên giỏi vào học ngành hạt nhân (ví dụ có học bổng cho sinh viên học ngành hạt nhân).
"Khi chúng ta khởi động lại dự án cần tập hợp nhân lực đã được đào tạo để tiếp tục đào tạo lại và bổ sung, nâng cao; đào tạo tiếp các cán bộ, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, phân loại những đối tượng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Chúng ta cần Ban chỉ đạo của Nhà nước về dự án, có những nhà quản lý giỏi chuyên môn về điện hạt nhân để điều hành", TS Trần Chí Thành cho hay.
Đồng thời, phải từng bước xây dựng được đội ngũ những người làm pháp quy hạt nhân giỏi về trình độ và có kinh nghiệm thực tế, những người này có thể gửi đi học, làm việc thực tế tại các nhà máy điện hạt nhân của các nước để hiểu biết sâu sắc về vấn đề an toàn, dự báo được những nguy cơ gì có thể xảy ra và từ đó xây dựng được quy định để luôn luôn đảm bảo an toàn khi các nhà máy điện hạt nhân vận hành.
Để có được đội ngũ chuyên gia hàng đầu về năng lượng nguyên tử, Việt Nam cần có một Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, tập trung vào các vấn đề của điện hạt nhân. Đồng thời xây dựng một Kế hoạch quốc gia đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp độ khác nhau, toàn diện, đầy đủ và hiệu quả.
Tô Hội