Công nghệ hồ treo thu trữ nước ở vách núi nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2025

Công nghệ hồ treo thu trữ nước ở vách núi nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2025
9 giờ trướcBài gốc
Sáng 15/5, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức họp báo công bố Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 nhằm tôn vinh các công trình xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Giải thưởng nhằm công nhận những nghiên cứu có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.
GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại họp báo.
Kết quả Giải thưởng năm 2025, hội đồng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 đã lựa chọn được 2 công trình xuất sắc nhất để tôn vinh các nhà khoa học gồm:
Công trình: "Công nghệ hồ treo trữ nước ở vách núi" của nhóm tác giả PGS.TSKH. Vũ Cao Minh, TS. Vũ Văn Bằng, KS. Nguyễn Chí Tôn, được đề cử bởi Viện Các Khoa học Trái đất.
Công trình: "Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế" của nhóm tác giả: Ông Phạm Đình Thắng, ông Đoàn Kỳ Bá, ông Bùi Văn Đạm, được đề cử bởi Công ty Cổ phần kỹ thuật công nghiệp Á Châu.
GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, các công trình được lựa chọn trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa phải có trình độ khoa học cao, khẳng định được giá trị thực tiễn. Có những công trình rất lâu rồi vẫn được vinh danh vì đang ứng dụng và thể hiện vai trò tốt trong thực tế, tác động lớn đối với kinh tế xã hội của đất nước.
Công nghệ hồ treo thu giữ nước ở vách núi của nhóm các nhà khoa học là một công trình như thế. Các địa bàn vùng cao như Hà Giang rất thiếu thốn nước sạch. Với kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm đứng đầu là PGS.TS Vũ Cao Minh, trên cơ sở kiến thức địa chất và khoa học Trái đất đã nghiên cứu tìm ra các vị trí thích hợp để thu giữ các mạch nước từ núi đá. Công nghệ rẻ tiền, đơn giản, đem lại tác động lớn đến đời sống.
"Hiện có trên 100 hồ treo và tiếp tục được phát triển và sẽ có các phiên bản cao hơn để tích nước hiệu quả hơn để xử lý nước dùng cho sinh hoạt và tái sử dụng nước", GS.TS Chu Hoàng Hà cho biết.
Hồ treo tại xã Giàng Chu Phìn, Mẹo Vạc, Hà Giang.
Trong trí nhớ của PGS.TSKH Vũ Cao Minh, Viện Địa chất Việt Nam, những năm 2000, Hà Giang đang trong cơn khát đúng nghĩa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và sức khỏe người dân. Bà con các xã Giàng Chu Phìn, Cán chứ Phìn, Lũng Pù, Sủng Máng, Sủng Chà, Tả Lủng, Thượng Phùng, Sơn Vĩ của huyện Mèo Vạc đã phải xuống tận sông Nho Quế, hoặc xuống huyện Yên Minh cách xã trên 20 km cõng nước về phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Trời không mưa cũng đồng nghĩa với việc con người không có nước sinh hoạt và sản xuất.
Hành trình đi tìm nước cho người dân Hà Giang của PGS.TSKH Vũ Cao Minh cùng các đồng nghiệp của mình cũng hết sức gian nan, vất vả. Hàng chục chuyến đi vào mùa khô để tìm những nguồn có nước.
Tình cờ, một lần cả nhóm đi vào mùa mưa. Nhìn mưa trút xuống, trượt trên những khe nứt nhỏ ở bề mặt đá núi, một ý nghĩ bất chợt đến trong ý nghĩ của một thành viên. Có thể thu nước trên vách núi, thay vì tìm nước trong lòng núi, hang động. Tức là cả nhóm đang chấp nhận một quy luật ngược nhưng hết sức phù hợp với thực tại. Một nguồn nước dồi dào có thể thu từ vách núi trên cao nguyên, muốn vậy phải đi vào mùa mưa, thay vì tìm những hang chứa nước vào mùa khô.
Tháng 5/2002, một hồ treo có hình trái tim với sức chứa 3.000m3 nước được xây dựng thành công tại xã Sà Phìn, Đồng Văn. Còn tại huyện Mèo Vạc, hồ treo Tà Lủng (có quy mô lớn gấp 10 lần hồ "trái tim" tiếp tục được xây ở độ cao 1.200m).
Từ câu chuyện đầy tình cờ ấy, sau này đã tạo tiền đề để Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đồng ý cho ra đời của hàng chục hồ treo trên cao nguyên đá Hà Giang.
Giải thưởng Trần Đại Nghĩa do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chủ trì được tổ chức 3 năm một lần. Giải thưởng này được trao tặng cho các nhà khoa học trong và ngoài nước có công trình nghiên cứu xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng của đất nước.
Các lĩnh vực: Bao gồm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái đất, Khoa học Biển, Khoa học Môi trường và Năng lượng, Công nghệ và Công trình.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/cong-nghe-ho-treo-thu-tru-nuoc-o-vach-nui-nhan-giai-thuong-tran-dai-nghia-2025-169250515105803203.htm