Sản phẩm pin xe điện của nhà sản xuất EV LG Chem Ltd (Hàn Quốc). Ảnh: koreanews.com
Các công nghệ mới có tiềm năng làm thay đổi các trung tâm quyền lực toàn cầu. Điều gì đang chờ đợi thế giới trong tương lai gần – và kết quả là cuộc sống hàng ngày sẽ thay đổi như thế nào? Bài viết trên báo NZZ phân tích các xu hướng quan trọng nhất về công nghệ và địa chính trị trong năm 2025.
Tương lai của xe điện Trung Quốc
Sự dẫn đầu đã được nhìn thấy ở Trung Quốc. Vài năm trước, người ta nhìn thấy chủ yếu các thương hiệu nước ngoài trên đường phố Bắc Kinh: Volkswagen, General Motors, Nissan… Ngày nay, lời kêu gọi “Xây dựng ước mơ của bạn” thu hút sự chú ý ở khắp mọi nơi. Đây không phải là câu nói trên lịch mà là của một thương hiệu xe hơi Trung Quốc, viết tắt là BYD. Cứ ba chiếc xe điện được bán ra ở Trung Quốc thì có một chiếc là của BYD.
Các con số cũng cho thấy điều này. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, tỷ trọng thương hiệu nước ngoài trong doanh số bán ô tô tại nước này đã giảm xuống còn 33% trong tháng 7/2024. Hai năm trước, tỷ lệ này là 53%.
Và xu hướng này cũng đang xảy ra trên toàn cầu. Xe buýt hai tầng ở London (Anh) sẽ là của BYD trong tương lai, bởi công ty này đã giành được hợp đồng trong năm 2024.
Khái niệm mới: Internet vệ tinh cho điện thoại thông minh
Starlink, một tập hợp các vệ tinh đang được SpaceX xây dựng để cung cấp truy cập Internet vệ tinh, sẽ mở khóa một chức năng mới đó là Internet vệ tinh. Chức năng này có thể nhận tín hiệu trực tiếp trên điện thoại thông minh. Điều này khiến các đĩa vệ tinh trước đây vốn cần thiết để nhận tín hiệu Starlink trở nên không cần thiết.
Những gì thoạt nhìn có vẻ là một sự thay đổi thuần túy về mặt kỹ thuật thực sự lại chứa đựng những “chất nổ” chính trị. Với chức năng này, ông Musk có thể cung cấp cho mọi người trên toàn thế giới quyền truy cập Internet. Điều này đang trở thành mối đe dọa mới, đặc biệt đối với các chính phủ kiểm soát chặt chẽ Internet.
Tỷ phú Elon Musk là người có quyền tự chủ lớn trong việc sử dụng công nghệ. Tất cả 6.700 vệ tinh Starlink đang hoạt động đều thuộc về công ty vũ trụ SpaceX, trong đó ông Musk chỉ sở hữu 42% tổng số cổ phần nhưng có 79% quyền biểu quyết. Đó là lý do tại sao ông không cần phải tham khảo ý kiến của bất kỳ ai trước khi quyết định địa điểm, cho ai và khi nào các vệ tinh sẽ kích hoạt Internet.
Ngoài ra, không có nhiều cạnh tranh trong mảng Internet vệ tinh. Chòm sao Oneweb của Pháp vận hành 630 vệ tinh, chỉ bằng 1/10 chòm sao của ông Musk. Chòm sao Thuyền buồm vũ trụ của Trung Quốc hiện chỉ có 36 vệ tinh. Điều này có nghĩa là: Starlink đi trước tất cả các nhà cung cấp Internet vệ tinh khác nhiều năm.
Với việc giới thiệu Internet vệ tinh cho điện thoại thông minh, ông Musk có được sức mạnh mới. Trong khi đó, những gì ông làm là không thể đoán trước. Khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra, ông Musk hứa sẽ cung cấp cho các tổ chức viện trợ ở Dải Gaza Internet vệ tinh. 10 tháng sau, Starlink cuối cùng cũng mở được kết nối tới một bệnh viện ở Rafah. Tuy nhiên, lời kêu gọi giúp đỡ từ các nước khác không được đáp lại.
Tiếp theo: Công nghệ mới viết lại bản đồ quyền lực toàn cầu – Bài cuối: Quang điện là tương lai
Văn Tuấn (P/v TTXVN tại Geneva)