Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Đức tuyên bố đang phát triển công nghệ pin xe điện mới dựa trên lưu huỳnh - loại vật liệu rẻ, nhẹ và ít gây hại cho môi trường hơn so với các cell pin lithium-ion hiện nay, trang Green Car Reports đưa tin.
Pin xe điện dùng lưu huỳnh đang được nhiều công ty nghiên cứu phát triển. Ảnh minh họa.
Cụ thể, công ty Theion cho biết sắp hoàn tất vòng gọi vốn trị giá hơn 16 triệu USD, nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ pin tinh thể lưu huỳnh độc quyền.
Theo công bố, công nghệ này dựa trên thiết kế cực dương riêng biệt mà Theion kỳ vọng sẽ kéo dài tuổi thọ pin - một trong những rào cản lớn nhất đối với pin sử dụng lưu huỳnh.
Với loại pin này, Theion đặt mục tiêu đạt mật độ năng lượng lên đến 1.000Wh/kg - cao gấp 3 lần so với các pin tiên tiến sử dụng nickel-mangan-cobalt (NMC) hiện nay, bao gồm cả loại pin 4680 đang được sử dụng trên mẫu Tesla Cybertruck.
Mức mật độ năng lượng này, nếu đạt được, sẽ cho phép chế tạo các bộ pin gọn nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo tầm hoạt động, hoặc gia tăng phạm vi di chuyển mà không cần tăng kích thước pin.
Theion còn cho biết, công nghệ này hoàn toàn không sử dụng nickel hay cobalt, 2 kim loại có giá thành cao, cũng như liên quan đến nhiều lo ngại về môi trường và nhân quyền trong quá trình khai thác.
Nhờ đó, loại pin mới được kỳ vọng sẽ giúp giảm một phần ba lượng khí thải carbon và chi phí sản xuất so với pin NMC truyền thống. Lưu huỳnh là nguyên tố phổ biến thứ 16 trong tự nhiên và rẻ hơn rất nhiều so với các vật liệu dùng trong pin lithium-ion.
Dù vậy, vấn đề tuổi thọ vẫn là thách thức lớn nhất của pin lưu huỳnh. Loại pin mới cần duy trì hiệu suất ổn định trong ít nhất 1.000 chu kỳ sạc/xả để có thể ứng dụng vào thị trường xe điện.
Hiện tại, công ty đang tiến hành thử nghiệm các cell pin có mật độ 500Wh/kg với khả năng duy trì hiệu suất trong 500 chu kỳ, trước khi chuyển sang giai đoạn sản xuất thực tế.
Trên thực tế, nghiên cứu về pin lithium-lưu huỳnh đã được tiến hành từ hơn một thập kỷ qua, và đã có không ít tuyên bố đầy hứa hẹn về việc nâng cao hiệu suất và tầm hoạt động cho xe điện.
Đơn cử có tập đoàn ô tô Stellantis, đã ký kết hợp tác với 2 công ty khởi nghiệp khác để phát triển công nghệ pin lưu huỳnh, với mục tiêu thương mại hóa vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên cho đến nay, pin lưu huỳnh vẫn là giấc mơ còn dang dở trong hành trình chinh phục tương lai xe điện.
Chí Vũ