Xe tăng Israel chiến đấu ở Dải Gaza vào ngày 30/5/2024. Ảnh: Reuters.
Quân đội Israel gần đây công bố video được cho là quay lại giây phút cuối cùng của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Sau khi xe tăng Israel khai hỏa, binh sĩ Israel đã đưa UAV vào tận bên trong căn nhà để xác định tình trạng của đối phương, tránh những tổn thất không đáng có.
Cuối tháng 7/2024, Israel hạ sát Fuad Shukr - một trong những chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah. Theo thông tin từ Hezbollah, Shukr nhận được cuộc gọi từ một người nào đó, mời lên tầng 7 của tòa nhà. Khi Shukr vừa lên đến nơi thì chiến đấu cơ Israel dội bom chính xác, phá hủy tầng 7 của căn hộ và ba tầng phía dưới. Shukr và một vài thành viên gia đình thiệt mạng. Có đồn đoán đặc vụ Israel xâm nhập vào mạng lưới liên lạc nội bộ của Hezbollah, từ liên lạc với chỉ huy Shukr.
Ngày 27/9/2024, Israel tập kích phía nam thủ đô Beirut của Lebanon, hạ sát Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah - khi đó đang ở dưới hầm ngầm. Phó tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran, ông Abbas Nilforoushan, cũng thiệt mạng trong cuộc tập kích này.
Những vụ việc trên phần nào cho thấy quân đội Israel đã tích hợp sâu rộng công nghệ hiện đại vào lĩnh vực quân sự, tình báo.
Các vũ khí mới được Israel tung vào chiến đấu
Israel đã đưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí và hệ thống phòng thủ hiện đại nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Gaza và khu vực lân cận. Trong số đó, phải kể đến các hệ thống phòng không tiên tiến như Arrow 2, Arrow 3 và phiên bản hải quân của hệ thống phòng không Iron Dome - C-Dome. Những hệ thống này đã chứng tỏ hiệu quả trong việc bảo vệ lãnh thổ Israel khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone từ các lực lượng đối địch. Đặc biệt, Arrow 3 đã lần đầu tiên được sử dụng để đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo từ Yemen và Iran.
Bên cạnh đó, Israel cũng đã triển khai hệ thống đạn cối chính xác Iron Sting. Đây là một loại đạn cối 120 mm, có thể gắn trên các phương tiện như Humvee hoặc M113, giúp quân đội Israel tấn công chính xác các mục tiêu tại những khu vực đông dân cư. Iron Sting được đánh giá là một bước tiến vượt bậc trong việc giảm thiểu thiệt hại cho dân thường, đặc biệt trong các khu vực đô thị phức tạp như Dải Gaza.
UAV Hermes 900 của Israel. Ảnh: Jerusalem Post.
Ngoài ra, các loại vũ khí mới khác như tên lửa vác vai Holit và Yated, cùng với súng máy Negev phiên bản nâng cấp, đã được Israel sử dụng trong chiến đấu. Những vũ khí này giúp tăng cường khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách xa và cải thiện hiệu suất tác chiến của quân đội Israel.
"Israel không ngừng phát triển và triển khai các hệ thống vũ khí tối tân nhằm đảm bảo khả năng phòng vệ trước các mối đe dọa từ xa. Điều này giúp chúng tôi luôn giữ được ưu thế chiến đấu trước đối phương," một đại diện từ Bộ Quốc phòng Israel cho biết.
Đẩy mạnh sử dụng UAV
UAV đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược quân sự của Israel tại Dải Gaza. Các hệ thống UAV không chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát mà còn có khả năng tấn công chính xác và hỗ trợ các đơn vị mặt đất. Trong những năm gần đây, Israel đã phát triển nhiều đơn vị UAV mới nhằm đáp ứng nhu cầu tác chiến hiện đại. Ví dụ, Phi đội 147, sử dụng máy bay Hermes 900, đã được thành lập tại căn cứ Palmachim. Máy bay Hermes 900 là loại UAV tiên tiến, có khả năng bay ở tầm cao, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát diện rộng.
Bên cạnh đó, Israel cũng tăng cường sử dụng các loại UAV nhỏ hơn như Skylark, hỗ trợ các đơn vị pháo binh trong việc xác định mục tiêu. Đặc biệt, các lực lượng trên mặt đất cũng được trang bị UAV mini như Magni-X và Thor mini-UAS, giúp trinh sát cận chiến và hỗ trợ tác chiến ở những khu vực đô thị đông đúc. Những UAV này có thể bay trong khoảng thời gian ngắn nhưng lại cung cấp thông tin quan trọng về địa hình và vị trí kẻ địch.
Israel tích hợp các công nghệ mới nhất vào chiến đấu với mục đích giảm thương vong cho binh sĩ. Ảnh: Times of Israel.
Một trong những cải tiến đáng chú ý khác là Spike Firefly, loại đạn tuần kích (loitering munition) do Tập đoàn Phòng thủ Rafael của Israel phát triển. Spike Firefly hoạt động như một UAV mini, có thể bay vào những khu vực mà các lực lượng mặt đất không thể tiếp cận, sau đó tiêu diệt mục tiêu.
"UAV đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi có thể giám sát liên tục và tấn công chính xác các mục tiêu mà không cần phải trực tiếp tham gia chiến đấu", một sĩ quan thuộc đơn vị UAV của Israel chia sẻ.
Tích hợp công nghệ AI
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được Israel tích hợp vào nhiều hệ thống chiến đấu, đặc biệt là trong việc điều khiển UAV và robot chiến đấu. Công ty khởi nghiệp Xtend đã phát triển hệ thống AI hỗ trợ điều khiển UAV, giúp binh sĩ Israel thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm mà không cần tiếp xúc trực tiếp với kẻ địch. Công nghệ này đã được thử nghiệm và triển khai trong các cuộc giao tranh với Hamas, đặc biệt tại các khu vực đô thị phức tạp ở Gaza.
Công nghệ của Xtend cho phép người điều khiển sử dụng một hệ thống thực tế ảo (VR) và điều khiển UAV thông qua cử chỉ. Điều này giúp giảm thiểu thời gian huấn luyện và tạo điều kiện cho binh lính dễ dàng sử dụng các thiết bị mà không cần kỹ năng cao. Bên cạnh đó, AI còn giúp các robot và UAV tự động hóa một phần các nhiệm vụ, như tự động nhận diện mục tiêu và quyết định phương án tấn công mà không cần sự can thiệp của con người.
"Công nghệ AI của chúng tôi được thiết kế để giúp binh lính hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn và hiệu quả hơn. Chúng tôi đang trong quá trình nâng cấp hệ thống để mở rộng khả năng áp dụng vào các lĩnh vực dân sự như hậu cần và giao nhận hàng hóa," Matteo Shapira, đồng sáng lập Xtend cho biết.
Công nghệ Israel sử dụng trong tình báo
Trong lĩnh vực tình báo quân sự, Israel đã tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, trong đó đáng chú ý nhất là hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có tên "Gospel." Hệ thống này được phát triển bởi đơn vị tình báo tín hiệu của Israel, còn gọi là Đơn vị 8200.
Theo các nguồn tin chính thức từ quân đội Israel, Gospel đã giành được giải thưởng sáng tạo vào năm 2020, và kể từ đó đã trở thành một trong những công cụ quan trọng trong việc phân tích và xác định mục tiêu trong các chiến dịch quân sự.
Israel hiện là quốc gia đi dầu trong việc sử dụng công nghệ AI vào chiến đấu. Ảnh: Times of Israel.
Gospel là một trong số nhiều chương trình AI mà tình báo Israel sử dụng để thu thập và phân tích khối lượng lớn dữ liệu tình báo. Hệ thống này không chỉ tổng hợp mà còn phân loại dữ liệu và đưa ra khuyến nghị về mục tiêu cần tấn công cho các nhà phân tích con người. Các mục tiêu này có thể bao gồm từ các chiến binh, thiết bị như bệ phóng tên lửa, cho đến các cơ sở chỉ huy của Hamas.
Tal Mimran, giảng viên tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, người từng làm việc cho chính phủ Israel, nhận định: “Gospel bắt chước những gì mà một nhóm các sĩ quan tình báo làm trong quá khứ, nhưng nó hiệu quả hơn rất nhiều.” Ông cho biết, trong khi một nhóm 20 sĩ quan có thể xác định khoảng 50-100 mục tiêu trong 300 ngày, thì Gospel có thể đề xuất khoảng 200 mục tiêu chỉ trong 10-12 ngày, nhanh gấp 50 lần.
Các dữ liệu mà Gospel sử dụng để đưa ra đề xuất có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm tin nhắn điện thoại, hình ảnh vệ tinh, hình ảnh từ drone và thậm chí cả cảm biến địa chấn. Hệ thống này đã được thử nghiệm trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas năm 2021, khi nó giúp xác định các mục tiêu như bệ phóng tên lửa và các cơ sở chỉ huy di động.
Dù rất hiệu quả, Gospel cũng gặp phải một số vấn đề. Sau một cuộc đánh giá hoạt động, các chuyên gia nhận thấy hệ thống này thiếu dữ liệu về những đối tượng không được coi là mục tiêu, dẫn đến sự thiên lệch trong quá trình đào tạo AI.
Trong cuộc xung đột hiện tại ở Dải Gaza và miền nam Lebanon, Gospel đã được sử dụng rộng rãi để cung cấp các đề xuất về mục tiêu cho các lực lượng trên không, trên biển và trên mặt đất. Hệ thống này gửi các mục tiêu trực tiếp đến lực lượng mặt đất qua một ứng dụng tên là "Pillar of Fire," giúp các chỉ huy có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn trên chiến trường.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp