Công nghiệp bán dẫn nóng lên: Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất

Công nghiệp bán dẫn nóng lên: Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất
3 ngày trướcBài gốc
Cơ hội vàng từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ sau đợt suy thoái năm 2023. Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, doanh thu bán dẫn toàn cầu năm 2024 đạt 626 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2023.
Dự báo cho thấy, vào năm 2025, thị trường bán dẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu ước đạt 705 tỷ USD. Trên toàn cầu, thị trường chất bán dẫn dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030, theo tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS).
Đứng trước những diễn đàn phức tạp về xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt nhà máy. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các trung tâm truyền thống như Trung Quốc và Đài Loan sang Đông Nam Á đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam.
Sự tham gia của các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và Amkor đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam, tạo đà phát triển cho hệ sinh thái bán dẫn trong nước. Cùng với đó, Việt Nam đang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, từ nghiên cứu và phát triển đến đóng gói tiên tiến và kiểm thử bán dẫn.
Thực tế, các tập đoàn lớn đã có những động thái cụ thể. Samsung Electronics Việt Nam, với các nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đang lên kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn. Trong khi đó, Nvidia, dưới sự dẫn dắt của CEO Jensen Huang, từng bày tỏ mong muốn biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất chip tiếp theo của hãng. Những cam kết này không chỉ là tín hiệu tích cực mà còn là động lực để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình phát triển ngành công nghiệp chiến lược này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện FPT nhận định: “Việt Nam đang có nhiều lợi thế lớn trở thành một điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi đang chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng từ các đối tác quốc tế".
So với các quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc hay Malaysia, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư vào sản xuất bán dẫn nhờ nhân lực dồi dào, giỏi STEM và dễ thích nghi với công nghệ mới.
Ngoài ra, chi phí nhân công ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với Đài Loan và Hàn Quốc, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, gần các trung tâm công nghệ lớn như Trung Quốc, Singapore và Malaysia. Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất điện tử quan trọng, với sự hiện diện của nhiều công ty lớn trong ngành.
“Từ phía FPT, chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh kế hoạch hợp tác với các tổ chức, trường đại học hoặc cơ sở đào tạo ở Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, hướng tới mục tiêu đạt 10.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030” - vị đại diện FPT cho biết.
Việt Nam hiện đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Ảnh minh họa.
FPT có hệ thống đào tạo về mảng chip từ đại học, cao đẳng, các chương trình ngắn hạn, các chương trình đào tạo hợp tác cùng chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm hàng đầu về chip- bán dẫn. FPT hợp tác cùng với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và các công ty đối tác để thành lập một trung tâm nghiên cứu, sáng tạo và phát triển cho ngành bán dẫn Việt Nam (Vietnam Semiconductor Innovation Center).
Đây là nơi đào tạo, nâng cao kỹ năng và ươm mầm tài năng cho các kỹ sư mới ra trường, các công ty khởi nghiệp, hoặc những kỹ sư mong muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Điều này góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Cần vượt rào cản để bứt phá trong tương lai
Dù tiềm năng là rõ ràng, các chuyên gia cảnh báo rằng Việt Nam cần vượt qua nhiều rào cản để biến cơ hội thành hiện thực.
Có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp khi tham gia bán dẫn, đó là: Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao; chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn thiện, thiếu các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu và thiết bị phụ trợ cho sản xuất bán dẫn; ngành bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi việc tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi cho lĩnh vực này tại Việt Nam còn hạn chế.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, Việt Nam hiện thiếu công nghệ lõi và nhân lực chất lượng cao để thiết kế, chế tạo trong ngành bán dẫn. Chúng ta chỉ đang tham gia khâu gia công, lắp ráp. Nếu cứ duy trì chiến lược kinh tế gia công, Việt Nam khó bứt phá để dẫn đầu ngành này.
Việt Nam nên đầu tư mạnh để phát triển công nghệ lõi, tuyển dụng nhân tài để bứt phá trong ngành bán dẫn. Ảnh: Lạc Nguyên
Ông Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh khu vực gay gắt, cần tập trung vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) – nơi tạo giá trị gia tăng cao nhất. Việt Nam nên đầu tư mạnh để phát triển công nghệ lõi, tuyển dụng nhân tài, nhập vật liệu bán dẫn từ nước ngoài để học hỏi và làm chủ công nghệ.
Từ đó, xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, giống như cách Trung Quốc liên doanh với doanh nghiệp nội địa để phát triển. Hiện tại, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tự làm toàn bộ quy trình, chỉ thuê lao động giá rẻ, khiến giá trị gia tăng mà chúng ta tạo ra trong ngành công nghệ cao rất thấp./.
Theo đại diện FPT, Chính phủ cần đầu tư phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt dành cho ngành bán dẫn, đảm bảo cung cấp điện, nước và môi trường phù hợp cho sản xuất chip. Hoặc có chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng bằng cách khuyến khích liên kết với các tập đoàn lớn, đầu tư công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất.
Lạc Nguyên
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-nghiep-ban-dan-nong-len-viet-nam-co-co-hoi-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-173256.html