Công nghiệp điện tử Việt Nam trước thời cơ và thách thức từ cuộc chiến thuế quan

Công nghiệp điện tử Việt Nam trước thời cơ và thách thức từ cuộc chiến thuế quan
4 giờ trướcBài gốc
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy ngành điện tử về kim ngạch xuất khẩu đạt 126,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405 tỷ USD) trong năm 2024.
Cụ thể, ngành hàng máy tính, điện tử và linh kiện đạt 72,56 tỷ USD, tăng 26,6%; còn điện thoại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2023.
Việc tăng thêm gần 17 tỷ USD so với năm 2023 (110 tỷ USD) phản ánh sự phục hồi về nhu cầu tiêu dùng và khả năng tiếp nhận đơn hàng, cũng như năng lực sản xuất của các nhà cung ứng.
Sự bứt phá trong xuất khẩu điện tử, sản phẩm công nghệ của Việt Nam phần lớn nhờ vào các tập đoàn nước ngoài. Việt Nam đang là điểm đến đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Apple, Nvidia…
Năm 2025, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam sẽ cần giải quyết bài toán "khó lường" gây ra bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: Nikkei Asia
Đáng chú ý, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã trở thành một điểm sáng với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng khổng lồ, trong đó Apple ghi nhận thành công vượt bậc. Ba đối tác lớn của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek cũng liên tục mở rộng quy mô đầu tư sản xuất điện tử.
Chính sự ổn định về chính trị và an ninh là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện tử. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế để giảm thiểu rủi ro và Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một lựa chọn ưu tiên.
Chính sách thuế quan tác động toàn cầu
Theo công ty tư vấn thị trường Neuberger Berman Group, lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ từ các quốc gia như Việt Nam và Mexico đã tăng lên trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Điều này phản ánh xu hướng các nhà sản xuất Trung Quốc tìm cách né tránh thuế quan của Washington bằng cách xuất khẩu sang Mỹ thông qua các nước thứ ba.
Bước sang nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Bộ Thương mại xem xét các điều chỉnh thuế quan bổ sung để giải quyết vấn đề “né tránh thông qua các nước thứ ba”.
Cụ thể, trong đó có nội dung yêu cầu các quan chức xem xét “thuế bổ sung toàn cầu” để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại hàng năm. Điều này cho thấy một loại thuế toàn diện tương tự như loại thuế phổ quát mà ông Trump đã hứa trong chiến dịch tranh cử có thể vẫn sẽ xuất hiện.
Theo Tổng cục Thống kê, các thị trường xuất khẩu chính của ngành điện tử Việt Nam đang là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc. Riêng năm qua, xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại sang châu Âu - châu Mỹ đạt 56,9 tỷ USD, chiếm gần 45% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu gần 50 tỷ USD linh kiện điện tử từ nước ngoài, dẫn đến sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp quốc tế.
Mới đây, TSMC, hãng đúc chip hợp đồng lớn nhất thế giới, đã phát đi tín hiệu có thể tăng giá sản xuất lên đến 15% (cao hơn đáng kể so với kế hoạch ban đầu là 5%), một động thái chắc chắn sẽ có hiệu ứng lan tỏa toàn ngành công nghệ.
Nếu kịch bản này xảy ra, gần như chắc chắn phần gánh nặng sẽ đẩy lên vai các đối tác và cuối cùng là người tiêu dùng.
Chẳng hạn, Samsung đang đối mặt thách thức lớn khi Qualcomm có thể tăng giá chip Snapdragon 8 Elite Gen 2. Nếu "gã khổng lồ" Hàn Quốc vẫn tiếp tục sử dụng các vi xử lý này (Snapdragon 8 Elite trên Samsung Galaxy S25 series) mà chưa thể cải thiện dòng chip Exynos của riêng mình, họ có thể buộc phải tăng giá điện thoại Galaxy hoặc cắt giảm chi phí bằng cách sử dụng màn hình và camera có chất lượng thấp hơn.
Bên cạnh thuế quan, một trong những thách thức khác đối với Việt Nam là việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và sự cạnh tranh để đón đầu chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra.
Thế Vinh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-truoc-thoi-co-va-thach-thuc-tu-cuoc-chien-thue-quan-2369529.html