Trong bối cảnh giá cả hàng hóa liên tục tăng cao, làm cho đời sống CNLĐ gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Phi Đal, công nhân Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Trong năm mới 2025, mong rằng công việc sẽ thuận lợi, công ty nhận được nhiều đơn hàng, tăng ca thường xuyên hơn, để đảm bảo có việc làm, thu nhập ổn định, không rơi vào thất nghiệp. Từ đó, giúp công nhân cải thiện thu nhập, yên tâm gắn bó lâu dài với công ty.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần May Việt Tân (TX. Cai Lậy).
Bên cạnh đó, công nhân chúng tôi mong muốn công ty điều chỉnh lương thưởng hợp lý, vì thu nhập cao sẽ giúp giữ chân lao động, hạn chế tình trạng nhảy việc, tránh ảnh hưởng đến công ty cũng như đời sống của công nhân”.
Hiện nay, mức lương trung bình của CNLĐ tại Tiền Giang dao động ở mức từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng, tùy theo ngành nghề và vị trí làm việc. Tuy nhiên, với chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhiều CNLĐ mong muốn có thêm các khoản hỗ trợ về xăng xe, tiền nhà trọ, tiền ăn… để giảm bớt áp lực tài chính.
Bên cạnh mức lương, chế độ phúc lợi là điều mà nhiều CNLĐ mong đợi trong năm mới. Một số doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động như thưởng tết, bảo hiểm sức khỏe, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến điều này.
Anh Lê Quân, công nhân Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) bày tỏ: “Trong không khí vui tươi của năm mới, đa số CNLĐ hy vọng công ty tiếp tục chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt là môi trường lao động, với việc đầu tư hệ thống thông gió, ánh sáng, vệ sinh… tại các khu vực sản xuất. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe CNLĐ mà còn nâng cao năng suất làm việc.
Đặc biệt, CNLĐ mong muốn công ty có chính sách lương thưởng hợp lý, công bằng và minh bạch, phản ánh đúng công sức và đóng góp của từng CNLĐ. Đặc biệt là việc xét thưởng cuối năm sẽ giúp CNLĐ thêm động lực làm việc và gắn bó lâu dài với công ty”.
Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ tốt, CNLĐ sẽ yên tâm gắn bó lâu dài, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động. Do đó, CNLĐ mong muốn các doanh nghiệp có thể quan tâm hơn đến đời sống CNLĐ, thay vì chỉ tập trung vào hiệu quả sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Anh Đào, làm việc tại Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi ước mong công ty tiếp tục duy trì và phát huy tốt các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho CNLĐ. Việc này giúp CNLĐ cải thiện khả năng chuyên môn và thăng tiến trong công việc. Chúng tôi tin rằng việc đào tạo sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, tăng thêm sự hài lòng và tự tin trong công việc”.
An toàn lao động cũng là vấn đề được nhiều CNLĐ quan tâm. Một số ngành nghề như dệt may, chế biến thủy sản, xây dựng… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo hộ cho CNLĐ.
Anh Lê Minh Tâm, công nhân Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho, TP. Mỹ Tho) bày tỏ: “Chúng tôi mong công ty sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ và thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện về an toàn lao động. Môi trường làm việc an toàn sẽ giúp CNLĐ cảm thấy yên tâm, góp phần hoàn thành công việc hiệu quả hơn”.
Sự ổn định trong công việc cũng là yếu tố quan trọng. Trong năm 2024, một số doanh nghiệp gặp khó khăn đã phải cắt giảm lao động, làm cho nhiều CNLĐ mất việc hoặc bị giảm giờ làm. Nhiều CNLĐ hy vọng năm 2025, nền kinh tế phục hồi tốt hơn để họ có công việc ổn định, không còn lo lắng về tình trạng thất nghiệp.
Bên cạnh đó, CNLĐ mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện để phát triển từ lãnh đạo các doanh nghiệp, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Sự động viên kịp thời cùng với sự thấu hiểu và thực hiện các chính sách phúc lợi hợp lý từ doanh nghiệp sẽ góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết bền vững.
Đồng thời, CNLĐ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các bộ phận, khuyến khích sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra môi trường làm việc bình đẳng, thân thiện. Từ đó, tạo động lực để CNLĐ cống hiến hết mình, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.
PHÁT HUY HƠN NỮA VAI TRÒ CÔNG ĐOÀN
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tổ chức Công đoàn các cấp tại tỉnh Tiền Giang đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong năm 2025, đoàn viên, CNLĐ mong muốn Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, tổ chức thêm nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, CNLĐ như: “Tết sum vầy”, “Phiên chợ công nhân”, hay các hoạt động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp…
Anh Nguyễn Hữu Lợi, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần May Việt Tân (TX. Cai Lậy) cho biết: “Với vai trò của Công đoàn và bản thân là Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, CNLĐ để có những đề xuất kịp thời với doanh nghiệp những chính sách phù hợp. Mục tiêu là giúp CNLĐ có thu nhập ổn định, được đảm bảo phúc lợi và làm việc trong môi trường an toàn”.
Bước sang năm 2025, CNLĐ tỉnh nhà kỳ vọng có một năm làm việc thuận lợi, với mức thu nhập cao hơn, chế độ phúc lợi tốt hơn và môi trường làm việc an toàn hơn. Đây không chỉ là mong muốn của CNLĐ, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng thị trường lao động bền vững.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp, CNLĐ tại Tiền Giang sẽ có việc làm ổn định và đời sống ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm mới 2025.
THIÊN LÝ