Đề xuất giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay.
Thảo luận tại tổ chiều 21/5, Đại biểu Ngô Chí Cường (Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh), cho rằng dự thảo chưa đề cập đến đối tượng là người mua, thuê nhà ở xã hội, trong khi chính họ là đối tượng cần được thuê, mua nhà ở xã hội.
“Có những địa phương xây nhà ở xã hội nhưng công nhân, người lao động thu nhập thấp, những đối tượng cần được thụ hưởng của chính sách lại không thể mua nhà”, ông Ngô Chí Cường nêu thực trạng.
ĐBQH Ngô Chí Cường. Ảnh: QH
Nguyên nhân, theo ông Cường, do thu nhập của người lao động không đủ để mua nhà. Như tại Trà Vinh, nhà ở xã hội xây xong có giá bán 9 triệu đồng/m2. Với diện tích mỗi căn hộ khoảng trên dưới 50m2, giá trị căn hộ dao động từ 400-500 triệu đồng. Nếu vay ngân hàng thời hạn 20 năm, mỗi tháng người lao động phải trả nợ gốc khoảng 3 triệu đồng, chưa tính lãi.
Với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng, việc phải dành ra 3 triệu đồng để trả nợ ngân hàng là một khoản không nhỏ (chiếm 43% thu nhập), nên người lao động khó có đủ tiền để trang trải chi phí cuộc sống.
Chưa kể, với khoản vay 400 triệu đồng, mỗi tháng người vay còn phải trả khoảng 2 triệu đồng tiền lãi, nâng tổng số tiền trả ngân hàng mỗi tháng lên hơn 5 triệu đồng.
Hiện nay, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội khoảng 6%/năm - mức thấp nhất hiện hành, tương đương lãi suất cho hộ nghèo vay vốn sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Cường, khoản vay sản xuất của hộ nghèo thường nhỏ, chỉ từ 50-100 triệu đồng và có khả năng tạo ra thu nhập, lợi nhuận để trả nợ. Trong khi đó, vay mua nhà ở xã hội là khoản vay lớn, nhưng không tạo ra dòng tiền trả nợ.
“Dù cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất tương đương cho hộ nghèo vay sản xuất kinh doanh, nhưng tôi cho rằng vẫn chưa phù hợp. Do vậy, để hỗ trợ người lao động thu nhập thấp có thể thuê, mua nhà ở xã hội, cần phải có mức lãi suất thấp hơn”, Bí thư tỉnh ủy Trà Vinh góp ý.
Kiểm soát chặt để tránh trục lợi chính sách
Đại biểu Hà Quốc Trị (Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa), cho rằng việc triển khai các dự án nhà ở xã hội thời gian qua gặp nhiều vướng mắc, trong khi nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, tại các địa phương lại tồn tại nghịch lý: có dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành nhưng không có người ở.
ĐBQH Hà Quốc Trị. Ảnh: QH
Ông Hà Quốc Trị kiến nghị cần có tổng kết, đánh giá toàn diện để lý giải vì sao người dân không mua, không đến ở tại những dự án đang bỏ hoang này.
“Chính sách nếu đóng kín thì người lao động không tiếp cận được nhà ở. Nhưng nếu mở quá rộng, lại phát sinh hiện tượng nhà xây xong mà không ai ở”, ông Trị nói và nhấn mạnh, không loại trừ khả năng có hiện tượng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Do đó, theo ông, cơ quan soạn thảo cần thiết kế các quy định kiểm soát đầy đủ, nhưng vẫn đảm bảo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực tế.
“Để phòng ngừa tiêu cực, tôi đề nghị bổ sung điều khoản giao Chính phủ chịu trách nhiệm kiểm soát việc thực thi, tránh để xảy ra trục lợi. Nếu không kiểm soát chặt, đến khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc thì dự án đã hoàn thành và bàn giao, lúc đó xử lý sẽ rất khó khăn”, ông Trị cảnh báo.
Trước đó, ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, nghị quyết nhằm tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy tiến độ phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp.
Đồng thời, nghị quyết có tác động kép giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Tuân Nguyễn