Công nhân lao động Đồng Nai thi đua sáng tạo, lao động sản xuất tại doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty Hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai
Nhiều sáng kiến của công nhân ứng dụng vào thực tiễn đã giúp doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sáng kiến mang lại giá trị cao
Năm 2024, anh Đỗ Viết Kha, công nhân trực tiếp sản xuất tại Công ty TNHH Boramtek Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa), được nhận bằng khen của UBND tỉnh với thành tích sáng tạo trong lao động sản xuất nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7). Những sáng kiến giá trị của anh Kha được ứng dụng vào thực tiễn tại DN, mang lại hiệu quả tích cực, tiết kiệm chi phí và đảm bảo các chuyền sản xuất vận hành thông suốt. Tiểu biểu là cải tiến sửa trục mâm xoay ổ dao trong máy tiện CNC của anh Kha đã giúp tiết kiệm gần 246 triệu đồng/năm, được DN đánh giá cao.
Anh Kha bộc bạch: “Trong sản xuất, ngoài nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu các loại máy mới để cải tiến, sửa chữa đạt hiệu quả lao động cao hơn”.
Qua các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động, năm 2024, đã có gần 26 ngàn ý tưởng, đề tài, sáng kiến của người lao động, làm lợi 200 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của CNLĐ được ứng dụng vào thực tế được các đơn vị, DN đánh giá cao. Các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hình thức khen thưởng khích lệ tinh thần CNLĐ, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trên toàn tỉnh.
Anh Dương Văn Sự, công nhân Công ty TNHH Công nghệ năng lượng CSB Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) là “cây sáng kiến” tại DN. Thành công nhất của anh là sáng chế ra dụng cụ bóp đầu cực bản trong sản xuất bình ắc quy.
Theo anh Sự, trước tình trạng chất lượng sản xuất bình ắc quy bị chập mạch nhiều, báo phế số lượng lớn gây tổn thất cho DN, anh đã nghiên cứu, đề xuất sáng kiến trên và được chấp thuận đưa vào sản xuất. Sau khi ứng dụng vào thực tế, số lượng hàng phế hàng ngày, hàng tháng đã giảm xuống 80%, giảm thiểu thiệt hại cho DN 500 triệu đồng/tháng. Sáng kiến của anh đã được lãnh đạo công ty công nhận, khen thưởng kịp thời.
Anh Phạm Tính Đức, công nhân Công ty TNHH Fujikura Electronics Việt Nam (thành phố Biên Hòa), nhiều năm liền đạt danh hiệu công nhân xuất sắc. Để có thành tích đó, bản thân anh Đức luôn học hỏi nâng cao tay nghề, sáng tạo trong công việc. Đặc biệt, anh đã thực hiện và áp dụng nhiều đề án cải tiến trong sản xuất như: Đề án Giảm chi phí mua kính lúp mới, tiết kiệm trên 24 ngàn USD/năm; Đề án Giảm mẫu sản phẩm lưu trữ trong sản xuất, tiết kiệm gần 2 ngàn USD/năm; Đề án Giảm số lượng PCS sản phẩm lấy mẫu tại PRN, tiết kiệm trên 1,6 ngàn USD/năm.
Nói về những sáng kiến của mình, anh Đức cho hay, chất lượng sản phẩm ngày càng đòi hỏi được nâng lên nên CNLĐ phải làm mới mình để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, CNLĐ sẽ phát hiện những bất cập và kịp thời đề xuất cải thiện mà vẫn tiết kiệm chi phí, không tốn tiền mua các loại máy mới.
Làm chủ công nghệ sản xuất
Anh Hoàng Đắc Minh, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (thành phố Biên Hòa), cũng là một điển hình trong sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi lớn cho DN. Từ năm 2021 đến nay, anh Minh đã đề xuất với công ty gần 100 sáng kiến lớn nhỏ; trong đó, đã đóng góp 43 đề án vào Chương trình 1 triệu sáng kiến, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty. Điển hình như: cải thiện khuôn ép đế giày thường xuyên bị lệch khuôn, cải thiện khuôn ép đế bị mất hoa văn, phẩm chất kém, dán keo không dính…
Ngoài những điển hình nêu trên, còn có những tấm gương đi đầu trong sáng kiến như: anh Trần Thanh Ngân, làm việc tại Công ty CP Công nghiệp chính xác VPIC (huyện Trảng Bom) với thiết kế trục xoay đổi gá hàn khi robot hàn xong, làm lợi cho công ty khoảng 200 triệu đồng/năm; anh Nguyễn Nhật Tài, công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam với sáng kiến bộ đầu đế sử dụng đè liệu trước khi máy cắt liệu, tiết kiệm 12.460 USD/tháng; anh Nguyễn Quốc Sự, Công ty CP Đồng Tiến có sáng kiến tích hợp diễu xỏ ngón tay và đóng bọ bằng máy may lập trình, tăng năng suất từ 500 lên gần 900 sản phẩm/ngày…
Với lực lượng lao động khoảng 1,3 triệu người, nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao được Đảng bộ tỉnh xác định là động lực, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Đây là một trong 4 đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronics (thành phố Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp cho hay, những năm qua, Phong trào Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo được đẩy mạnh trong CNLĐ toàn công ty. Công nhân tích cực tham gia với mục tiêu “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong khu vực sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Hàng năm, CNLĐ toàn công ty đã đóng góp trên 300 sáng kiến, làm lợi cho DN hàng tỷ đồng. Những kết quả đạt được cho thấy các phong trào thi đua đã tác động tích cực, khơi dậy khả năng sáng tạo, lòng nhiệt huyết, hăng say lao động của CNLĐ.
Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai những năm gần đây đã ứng dụng nhiều máy móc tự động hóa vào sản xuất. Do đó, đòi hỏi NLĐ không ngừng đổi mới tư duy làm việc.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai Đỗ Nguyên Phương cho biết, đa số lao động tại công ty đều có tay nghề vận hành thông suốt các loại máy tự động được nhập về để nâng cao chất lượng sản phẩm. Công nhân công ty còn chủ động sáng tạo, sáng kiến để khẳng định bản thân trong công việc.
Anh Phương chia sẻ: “Hiện nhiều DN trên địa bàn tỉnh ngày càng coi trọng nguồn lao động năng động, sáng tạo. Điều đó minh chứng qua việc trả lương, thưởng và các chế độ, chính sách tốt đối với CNLĐ” - anh Phương chia sẻ.
Các DN cho biết, việc chuyển đổi số, phát triển công nghệ vào sản xuất đang đòi hỏi kỹ năng, tay nghề của CNLĐ để tạo ra những sản phẩm chất lượng và không bị lạc hậu. Các DN luôn khuyến khích CNLĐ học tập nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều công nhân đi lên bằng sự nỗ lực của mình và trở thành tổ trưởng, quản lý với thu nhập cao; đặc biệt, luôn là lực lượng nòng cốt để truyền lửa cho những lao động trẻ ra sức sáng tạo, thi đua sản xuất.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, Phong trào Thi đua yêu nước do các cấp Công đoàn Đồng Nai phát động đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh hưởng ứng, tham gia. Theo đó, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu với những mô hình, cách làm hay trên các lĩnh vực công tác được các cấp Công đoàn nhân rộng và tuyên dương, khen thưởng kịp thời.
Đặc biệt, nhiều tấm gương CNLĐ trực tiếp sản xuất đã tích cực tham gia các đợt phát động thi đua cao điểm, nỗ lực học tập, nâng cao tay nghề, đóng góp nhiều sáng kiến mang lại giá trị cao cho DN. Họ là những gương điển hình, tạo sức lan tỏa trong đội ngũ CNLĐ. Nhiều lao động không chỉ được DN khen thưởng, tăng lương, bố trí vào vị trí việc làm cao hơn, mà còn được các cấp Công đoàn, UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Lan Mai