Ngày 24/1, UBND TPHCM đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan về phương án điều phối công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đảm bảo an ninh chất thải trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản gửi Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm rõ tình trạng công nhân ngưng làm việc ngày 23/1.
UBND TPHCM chỉ rõ, trong trường hợp công ty có văn bản cam kết không để xảy ra tình trạng nêu trên, giao Sở TN&MT tổ chức điều phối khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Bãi chôn lấp số 3 và các Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt hiện hữu để đảm bảo an ninh, an toàn việc xử lý rác thải của thành phố.
Trong trường hợp VWS dừng tiếp nhận, xử lý CTRSH tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Sở TN&MT có nhiệm vụ phối hợp với các sở ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai thực hiện ngay phương án điều phối công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đảm bảo an ninh chất thải trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các địa phương triển khai điều phối khối lượng CTRSH về các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn thành phố.
Trong đó, Sở TN&MT chủ động xử lý kịp thời các tình huống cấp bách về an ninh chất thải và kịp thời báo cáo UBND TPHCM. UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện có lộ trình điều phối về nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tiếp tục vận chuyển CTRSH về các nhà máy này.
Khối lượng CTRSH trên địa bàn quản lý của UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện có lộ trình điều phối về bãi chôn lấp Đa Phước do VWS làm chủ đầu tư được điều phối về Bãi chôn lấp số 3 – Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM làm chủ đầu tư để tiếp nhận, xử lý cho đến khi có chỉ đạo của UBND TPHCM.
UBND TPHCM giao Sở Giao thông vận tải xem xét tổ chức giao thông cho toàn bộ các phương tiện vận chuyển CTRSH được lưu thông 24/24 giờ để tổ chức thu gom, vận chuyển CTRSH trên toàn địa bàn thành phố.
UBND TPHCM đề nghị Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa chủ động tiếp nhận CTRSH sớm từ các phương tiện vận chuyển để tránh việc ùn ứ phương tiện trong Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi; hỗ trợ tiếp nhận CTRSH theo sự điều phối của UBND thành phố trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, tạm dừng việc vận chuyển chất thải sau xử lý (rác trơ) của các công ty về Bãi chôn lấp số 3 theo sự điều phối của Sở TN&MT.
Vì đâu nên nỗi?
Rớm nước mắt khi nhắc đến Tết, chị Thanh Lam (25 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho biết, làm việc vất vả cả năm chỉ mong nhận được thưởng Tết. Thế nhưng dù đã cận Tết nhưng chị Lam cũng như hàng trăm công nhân khác tại Công ty VWS vẫn chưa nhận được lương, thưởng Tết.
“Là công nhân vệ sinh môi trường nên hầu như không có ngày nghỉ Tết, vì vậy chỉ mong được nhận thưởng để mua cho con tấm áo mới, những món ăn con yêu thích để bù đắp chuyện mình không thể ở bên con cả những ngày lễ Tết” – chị Lam nghẹn ngào.
Hàng chục chiếc xe thu gom rác xếp hàng dài trước cổng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đêm 23/1
Đỉnh điểm của sự việc là lúc 19h ngày 23/1, hàng trăm công nhân Công ty VWS tạm ngừng việc, yêu cầu được trả lương, thưởng Tết. Không có công nhân tiếp nhận và xử lý rác khiến cho gần cả trăm xe rác không vào được bãi rác Đa Phước, gây ra ùn ứ kéo dài.
Theo biên bản làm việc giữa Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, đại diện Công ty VWS, công đoàn Công ty VWS, bà Lương Thị Thúy Hà - đại diện Công ty VWS cho biết: “Công ty luôn mở cửa tiếp nhận rác nhưng công nhân ngưng làm việc vì chưa nhận được lương để mua sắm Tết. Việc này ngoài ý muốn của công ty, do đó, công ty đề nghị thành phố giải quyết thanh toán gấp khoản tạm ứng hơn 600 tỷ đồng theo Công văn số 24268 ngày 24/12/2024. Ngay khi công ty nhận được số tiền ứng trên, chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp nhận và xử lý rác. Hiện công ty không tiếp nhận xử lý các phương tiện đang chờ nêu trên”.
Đã chuyển 56 tỷ
Chiều 24/1, đại diện UBND TPHCM, Sở TN-MT TPHCM đã làm việc với Công ty VWS. Tại đây, ông Lê Văn Thành - Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của chủ đầu tư, tìm giải pháp trước – trong và sau Tết 2025 để TPHCM sạch đẹp và đảm bảo an ninh trên địa bàn thành phố.
Đêm 23/1, hàng trăm công nhân Công ty VWS ngừng việc vì chưa nhận được lương thưởng Tết
Trình bày ý kiến, bà Huỳnh Lan Phương - Phó Tổng giám đốc Công ty VWS cho biết, công ty đã nhiều lần gửi đơn thư đề nghị TPHCM thanh toán tiền xử lý rác theo đúng hợp đồng đã ký, nhưng nhiều tháng qua vẫn không nhận được hồi âm.
Cụ thể, từ tháng 7/2024 đến nay, công ty phải gồng gánh để trả lương, đóng BHXH… cho hơn 400 lao động đang làm việc. Tuy nhiên đến hiện tại, điều này đã quá sức của công ty khi lương tháng 13, thưởng Tết… cần phải trả cho hàng trăm công nhân là số tiền không hề nhỏ.
Đây không phải là lần đầu tiên người lao động ngừng việc tại Công ty VWS liên quan đến lương thưởng, mà đã từng xảy ra cách đây vài năm. Bà Phương nói rằng, TPHCM đã nợ tiền xử lý rác đã 5 năm, tính từ tháng 11/2018 đến nay. Tuy nhiên vào tháng 4/2022, TPHCM có trả một phần và sau đó không trả nữa, thế nhưng 60% lượng rác của hơn 10 triệu dân thành phố vẫn đều đặn đổ về công ty VWS để xử lý.
“Chúng tôi là doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài), đến thời điểm hiện tại vẫn đang vận hành rất tốt; Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước vẫn đảm bảo công suất tiếp nhận rác. Chúng tôi luôn đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu nên dù rất khó khăn, chúng tôi vẫn tìm cách trả đầy đủ lương và các chế độ phúc lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Để xảy ra sự việc ùn ứ các xe rác như vừa rồi là điều không mong muốn. Nhưng chuyện lương thưởng Tết cho 400 công nhân hiện đã vượt quá khả năng của công ty, chúng tôi mong muốn TPHCM tạo điều kiện, thanh toán số tiền theo hợp đồng để công ty có kinh phí trả cho người lao động” – bà Phương cho biết.
Công nhân Công ty VWS tiếp tục ngừng việc trong ngày 24/1
Ông Lê Văn Thành đề nghị Sở TN-MT TPHCM và Công ty VWS cùng rà soát lại các nội dung và báo cáo bằng văn bản. Sau đó ông Thành sẽ báo cáo lãnh đạo TPHCM. Ông Thành nói rằng, cần xây dựng TPHCM trở thành thành phố văn minh – hiện đại – nghĩa tình, muốn vậy cần có sự đồng lòng chung sức của các đơn vị, trong đó có Công ty VWS.
Chuyển hướng tiếp nhận rác
Chiều ngày 24/1, Sở TN-MT TPHCM đã phát đi công văn “khẩn” gửi UBND TPHCM, kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp điều phối việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn trong những ngày Tết.
Theo đó, lượng rác tại TP. Thủ Đức trước đây được chở về bãi Đa Phước do VWS xử lý, thì nay được điều phối về bãi chôn lấp số 3 – Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM làm chủ đầu tư, để nơi đây tiếp nhận, xử lý cho đến khi có chỉ đạo của UBND TPHCM.
Sở TN-MT cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM triển khai các giải pháp dự phòng xử lý chất thải rác sinh hoạt (CTRSH) của TPHCM. Cụ thể, đưa bãi chôn lấp số 3 đi vào hoạt động, xử lý tiếp nhận CTRSH cho thành phố.
Công ty Môi trường Đô thị TPHCM triển khai thực hiện các thủ tục liên quan tiếp nhận khối lượng CTRSH khoảng 2.000-6.000 tấn/ngày. Đồng thời thực hiện các giải pháp dự phòng tiếp nhận thêm rác tại các bãi chôn lấp số 1, 1A và số 2 trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an ninh chất thải cho TPHCM. Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, điều kiện thiết bị xử lý rác cho công tác vận hành bãi chôn lấp số 3 hiệu quả, khi tiếp nhận thêm khối lượng rác…
Trong trường hợp cần thiết, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị bổ sung phương tiện thu gom, vận chuyển, để hỗ trợ công tác thu gom, vận chuyển cho các địa phương, đảm bảo giải tỏa khối lượng CTRSH trong ngày, không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải.
Sở TNMT cũng đề nghị Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa chủ động tiếp nhận rác sớm từ các phương tiện vận chuyển để tránh ùn ứ rác trong Khu liên hợp xử lý rác Tây Bắc – Củ Chi.
Theo thông tin mới nhất, Sở TN-MT TPHCM đã chuyển trả 56 tỷ đồng cho công ty VWS. Đại diện Sở TN-MT cũng nói rằng, từ năm 2018 đã nghiệm thu và thanh toán chi phí cho công ty VWS, Sở chỉ chưa thanh toán từ tháng 7/2024 đến nay do chưa thống nhất theo nghị định mới.
Ngô Tùng - Uyên Phương