Khoảnh khắc bùng nổ của Công Phượng. Ảnh: CLB Bình Phước.
Cầu thủ ghi bàn từ chấm đá phạt đã khó, ghi 2 bàn liên tiếp trong một trận càng khó. V.League ít khi chứng kiến những cú đúp kiểu này, thế nhưng chuyện hiếm thấy ấy đã xuất hiện ở giải đấu kém danh tiếng hơn là Hạng nhất. Sự sắp đặt của số phận cho Công Phượng làm người hùng (chứ không phải cầu thủ vô danh nào khác) khiến cho câu chuyện cổ tích ở sân Bình Phước càng thêm phần kịch tính.
Trên sân nhà tối 20/4, Công Phượng đã thực hiện 2 siêu phẩm đá phạt giúp đội nhà thắng ngược dòng 2-1 đầy cảm xúc trước Hòa Bình. Bàn gỡ hòa 1-1 đến ở phút 28, bàn còn lại vào phút 90+2.
Hai cú đá phạt đều nằm cách xa khung thành, trước hàng rào được tổ chức chặt chẽ để đảm bảo không còn khe hở nào cho Công Phượng. Nhưng Phượng vẫn vẽ lên những đường cong tuyệt đẹp mà sau trận cộng đồng mạng phải đem ra so sánh với những bàn thắng của Declan Rice tại Champions League.
Một số người có thể nói Công Phượng ăn may. Nhưng những ai xem trận đấu đều thấy anh đã thất bại với những phép thử trước khi ghi bàn. Ít nhất 4 lần trong trận Công Phượng thực hiện các quả đá phạt ngoài vùng cấm và hầu như anh đều sút thẳng về phía khung thành thay vì treo bổng cho đồng đội.
2 bàn của Công Phượng trận này cũng chỉ là những lần hiếm hoi anh sút phạt thành công sau nhiều trận. Phượng không phải siêu nhân. Anh cũng sút hỏng như những cầu thủ khác, nhưng thứ làm nên giá trị của Công Phượng là nỗ lực nâng cao tỷ lệ sút thành công lên từng ngày. Bởi vậy, may mắn không phải là phép màu mà là phần thưởng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Khi còn thi đấu cho HAGL và tuyển Việt Nam, Công Phượng cũng thường xuyên được giao trọng trách đá phạt. Uy tín trong quá khứ đã theo Phượng đến Bình Phước, giúp anh được tin tưởng thực hiện các quả đá phạt thời điểm hiện tại.
Công Phượng vẫn còn có thể gây đột biến nhờ những cú đá phạt và đường chuyền đầy cảm giác. Ảnh: Bảo Ngọc.
Trước khi ghi cú đúp đá phạt ở vòng 15, Công Phượng đã có 2 kiến tạo giúp Bình Phước thắng vòng 14. Điều thú vị là cả hai đường chuyền thành bàn đều đến từ cùng 1 kịch bản: treo bóng điểm rơi từ ngoài vùng cấm cho đồng đội băng vào dứt điểm.
Công Phượng không còn trẻ, chạy không còn nhanh, thể lực không còn sung mãn, nhưng chất quái của anh thì không hề mai một. Thay đổi lối chơi theo tuổi tác là điều nhiều cầu thủ đã và đang thực hiện và Phượng cũng không nằm ngoài xu hướng, khi chọn cho mình những đường chuyền dài và đá phạt đầy cảm giác.
Những cú đá phạt hoặc kiến tạo điểm rơi của Công Phượng biết đâu lại là giải pháp tấn công mà đội tuyển Việt Nam đang cần? Trong 15 trận HLV Kim Sang-sik dẫn dắt, tuyển Việt Nam ghi tổng cộng 34 bàn thắng, nhưng chỉ 1 trong số đó đến từ đá phạt trực tiếp, đó là bàn thắng của Hai Long trận giao hữu với Campuchia hồi tháng 3 vừa qua.
Không phủ nhận đóng góp của Xuân Son và các nhân tố mới cho hàng công đội tuyển Việt Nam thời gian qua. Nhưng trong bối cảnh Son nghỉ dài hạn, mọi yếu tố có thể làm tăng cường sức mạnh cho đội tuyển cũng nên được xem xét, đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ của tuyển Việt Nam đang không ngừng tiến bộ.
Trong tháng 6, tuyển Việt Nam sẽ có chuyến làm khách quan trọng trên đất Malaysia, nơi thành bại mang nhiều ý nghĩa trong việc cạnh tranh vé dự VCK Asian Cup 2027. "Hổ Mã Lai" từng là bại tướng quen thuộc của tuyển Việt Nam khi Công Phượng còn thi đấu, nên kinh nghiệm của anh có thể sẽ giúp ích nhiều cho đội tuyển trong lần đối đầu tới đây.
Quãng thời gian 1 năm 7 tháng vắng bóng ở đội tuyển có lẽ quá đủ với Công Phượng. Nếu được HLV Kim Sang-sik triệu tập, với phong độ như hiện tại (dù chỉ ở Hạng nhất), Phượng vẫn sẽ thuyết phục giới chuyên môn khi lên tuyển không phải vì danh tiếng mà bởi những nỗ lực suốt thời gian qua.
Bảo Ngọc