Công tác Đảng, công tác chính trị luôn đi trước mở đường trong tư tưởng, dẫn dắt tư tưởng

Công tác Đảng, công tác chính trị luôn đi trước mở đường trong tư tưởng, dẫn dắt tư tưởng
5 giờ trướcBài gốc
* Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi tham luận đến tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam; Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân; PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Phó bí thư Đảng ủy Cơ quan TCCT, Cục trưởng Cục Chính trị, TCCT QĐND Việt Nam (đại diện ủy quyền của thủ trưởng TCCT QĐND Việt Nam). Dự tọa đàm có các đại biểu đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội, các tướng lĩnh, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân đội.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm. Ảnh: VIỆT TRUNG
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND và các đồng chí Phó tổng biên tập Báo QĐND chủ trì tọa đàm.
Nhạy bén, sáng tạo, kịp thời trong tham mưu, chỉ đạo
Ngày 22-12-1944, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay được thành lập. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”. Ngay sau đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành đại đội có 3 trung đội. Đại đội có Ban Công tác Chính trị-cơ quan chính trị đầu tiên của QĐND Việt Nam ra đời, hoạt động CTĐ, CTCT cũng được xác lập.
Các đại biểu tham quan sách, ảnh trưng bày tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT TRUNG
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh: Trải qua các tên gọi khác nhau, rồi đến tháng 7-1950 xác lập tên gọi là TCCT. 80 năm qua, TCCT luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Quân ủy Trung ương (QUTƯ) xây dựng, củng cố, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.
TCCT là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, QUTƯ, Bộ Quốc phòng; trực tiếp đưa CTĐ, CTCT vào nền nếp, thực sự là “linh hồn, mạch sống”-yếu tố quyết định bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự là Quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, không ngừng phấn đấu, hy sinh, cùng với toàn dân tộc lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhắc đến đây, chúng tôi nhớ lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về việc lấy ngày 22-12-1944 là Ngày truyền thống của TCCT. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì điều này phản ánh đúng một sự thật lịch sử: Có Quân đội tức là có ngay sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và công tác chính trị, một nhân tố thuộc về bản chất của quân đội cách mạng.
Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta 80 năm qua đã chứng minh nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội là đúng đắn cả về mặt lý luận và thực tiễn, đồng thời khẳng định, CTĐ, CTCT là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.
Phát biểu tham luận tại tọa đàm Thượng tướng Phạm Thanh Ngân chia sẻ: TCCT luôn chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, QUTƯ các chủ trương, biện pháp kịp thời chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ; tập trung vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống mọi biểu hiện lệch lạc, sai trái, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tham luận của Đại tướng Phạm Văn Trà gửi đến tọa đàm chỉ rõ: Tiến hành CTĐ, CTCT là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng LLVT cách mạng của Đảng. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta 80 năm qua đã chứng minh nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội là đúng đắn cả về mặt lý luận, thực tiễn và khẳng định, CTĐ, CTCT là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.
Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với QĐND, đó là một nguyên tắc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, là nguyên lý cơ bản nhất trong Học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Làm rõ hơn về vấn đề này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng: Quyền lãnh đạo QĐND Việt Nam thuộc về một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền đó phải luôn được giữ vững và tăng cường, có như vậy mới bảo đảm cho Quân đội chiến thắng và trưởng thành. Bởi vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức đảng từ trong các tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên đến sự trưởng thành, chiến thắng của QĐND Việt Nam ngày nay.
Tại tọa đàm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và tập trung phân tích, làm rõ là: TCCT QĐND Việt Nam là cơ quan (một ban) của Đảng được đặt trong Quân đội. Nói về điều này, Trung tướng Phùng Khắc Đăng chỉ ra: Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, làm cho Quân đội luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, Đảng nhất thiết phải tổ chức ra TCCT để tham mưu cho Đảng, QUTƯ những chủ trương, biện pháp xây dựng các tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Khác với các loại hình cơ quan, đơn vị thông thường, Quân đội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là QUTƯ.
Phát biểu tham luận của Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4; Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị; Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phụ trách Nhóm chuyên gia 35 QUTƯ và tham luận gửi tới tọa đàm của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị; Trung tướng, TS Lê Văn Duy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1 cùng nhiều tham luận của các nhà khoa học, tiếp tục làm rõ và khẳng định: 80 năm qua, song hành cùng quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam, TCCT đã và đang chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả về công tác xây dựng hệ thống cơ quan chính trị toàn quân vững mạnh toàn diện.
TCCT luôn nhạy bén, sáng tạo, kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QUTƯ, chỉ đạo, hướng dẫn CTĐ, CTCT sát với đặc điểm, tính chất nhiệm vụ của Quân đội, bảo đảm cho Quân đội ta là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Dấu ấn của một “binh chủng” đặc biệt
80 năm qua, TCCT luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức hoạt động văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản theo đúng định hướng chính trị, phát triển đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đơn vị và đời sống tinh thần của bộ đội, củng cố niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoạt động văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đã góp phần xây dựng bản lĩnh và phẩm chất nhân cách Bộ đội Cụ Hồ-một biểu tượng văn hóa quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Ban Tổ chức tọa đàm chụp ảnh cùng các đại biểu.
Nói đến hoạt động trên, PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử đất nước, vào tâm thức cộng đồng và có những dấu ấn mạnh mẽ trên các loại hình truyền thông và báo chí. Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ chính là một phần cốt lõi phản ánh bản chất cách mạng ở Việt Nam. TCCT và toàn quân cùng các cơ quan báo chí của cả nước đã xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ rất tốt, rất đẹp, lan tỏa rộng rãi.
Vinh dự là tờ báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, Báo QĐND luôn phát huy tốt vai trò là “tờ hịch cách mạng”, tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo QĐND, hơn 74 năm qua, từ khi Báo QĐND xuất bản số báo đầu tiên (20-10-1950) đến nay, QUTƯ, Bộ Quốc phòng, TCCT QĐND Việt Nam đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định quan trọng về định hướng phát triển Báo QĐND trong từng thời kỳ, để tờ báo luôn thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, thực sự là vũ khí tin cậy, sắc bén của Đảng, Nhà nước, Quân đội trên mặt trận chính trị-tư tưởng và văn hóa.
Phát biểu tham luận tại tọa đàm PGS, TS, Lê Hải Bình; GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương và các tham luận gửi đến tọa đàm của PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và nhiều tham luận của các nhà khoa học, các tướng lĩnh đã khẳng định vai trò, đặc trưng và truyền thống hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, truyền thông (trong đó báo chí, truyền thông được coi như một “binh chủng” đặc biệt) trong Quân đội 80 năm qua.
Từ thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội, cùng với việc hoàn thành xuất sắc 3 chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, Quân đội đã hình thành và phát triển một đặc trưng riêng, đó là một “đội quân văn hóa”. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng nhằm bồi đắp tinh thần, tạo động lực giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... các tham luận cũng chỉ rõ, TCCT cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò văn học, nghệ thuật, báo chí và xuất bản trong xây dựng phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị
Xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, dưới góc độ nghiên cứu, theo Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân thì một trong những giải pháp quan trọng đó là phải nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nhằm định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Gửi tham luận đến tọa đàm Trung tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng; Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là yêu cầu bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “không để bị động, bất ngờ” trong mọi tình huống, đòi hỏi hoạt động CTĐ, CTCT phải đặc biệt chú trọng đến xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị, sắc sảo trong tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình. Kịp thời phát hiện, giải quyết đúng đắn, hiệu quả những vấn đề nảy sinh.
Nhận diện, phân biệt rõ đối tượng, đối tác trong từng mối quan hệ cụ thể. Từng bước hoàn thiện nội dung, phương thức hoạt động CTĐ, CTCT, phát huy hiệu quả nhân tố con người phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị và điều kiện thực tế của từng lực lượng; bảo đảm đủ sức "miễn dịch", vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Để phát huy truyền thống của TCCT: “Trung thành-kiên định; gương mẫu-tiêu biểu; nguyên tắc-dân chủ; chủ động-sáng tạo; nhạy bén-sắc sảo; đoàn kết-thống nhất; quyết chiến-quyết thắng”, nhiều đại biểu dự tọa đàm cho rằng: TCCT QĐND Việt Nam và cấp ủy, đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân cần tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ cán bộ để củng cố niềm tin vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là những nhận thức mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; về đối tượng, đối tác.
Tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống, giáo dục pháp luật, chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức học tập vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại... làm cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay luôn có ý thức sẵn sàng nhận và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh: Các tham luận phát biểu và gửi đến tọa đàm là kết quả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, trí tuệ, có giá trị về lý luận và thực tiễn sâu sắc, khẳng định rõ vị trí, vai trò, chức năng và những đóng góp to lớn của TCCT đối với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam suốt 80 năm qua. Với phương châm: Ở đâu có bộ đội, ở đó có hoạt động CTĐ, CTCT, TCCT luôn chú trọng chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và bảo đảm cho CTĐ, CTCT luôn đi trước mở đường trong tư tưởng, dẫn dắt tư tưởng; tiếp tục trở thành ngọn cờ tư tưởng của toàn quân, toàn dân ta để CTĐ, CTCT luôn là "linh hồn, mạch sống" của Quân đội ta.
Nhóm phóng viên (tổng thuật)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/cong-tac-dang-cong-tac-chinh-tri-luon-di-truoc-mo-duong-trong-tu-tuong-dan-dat-tu-tuong-801779