Tổ hòa giải khối Trần Quang Khải I, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nắm tình hình thực tế vụ việc tranh chấp đất đai trong cộng đồng dân cư
Có dịp đi cùng và chứng kiến tổ hòa giải khối Trần Quang Khải I, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hòa giải một vụ việc tranh chấp xảy ra trong cộng đồng dân cư, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tinh thần trách nhiệm, sự khéo léo, hợp tình, hợp lý của tổ hòa giải để hai bên hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn tình đoàn kết xóm làng. Đây là tổ được thành phố lựa chọn là tổ hòa giải điển hình tiên tiến từ năm 2018 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Đức, Tổ trưởng tổ hòa giải cho biết: Tôi làm công tác hòa giải ở cơ sở được 10 năm và đã tham gia hòa giải nhiều vụ việc từ đơn giản tới phức tạp. Theo tôi, điểm mấu chốt để hòa giải thành công các vụ việc đó là thành viên tổ hòa giải phải có kiến thức pháp luật, kỹ năng vận động, thuyết phục, lắng nghe từng bên để hiểu rõ sự việc, đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng của hai bên. Năm 2024 vừa qua, tổ đã hòa giải thành 8/8 vụ việc.
Năm 2024, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và hòa giải thành công 2.607/3.113 vụ việc, đạt 83,7%, cao hơn 5,4% so với năm 2023 và vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp đề ra 3,7%.
Không riêng tổ hòa giải trên, hiện nay, toàn tỉnh có 1.647 tổ hòa giải với trên 10.600 hòa giải viên, đảm bảo 100% thôn, tổ dân phố có tổ hòa giải hoạt động. Thành viên của các tổ hòa giải đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động Nhân dân; có hiểu biết pháp luật; nhiệt tình và tự nguyện tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, trước hết các cấp chính quyền tập trung nhân rộng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến. Đây là các tổ hòa giải có cách làm hay, hiệu quả, với tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đạt trên 80%. Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp thông tin: Năm 2024, phòng đã tham mưu lãnh đạo sở đưa nội dung “Tiếp tục kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở, đảm bảo mỗi thôn, tổ dân phố có 1 tổ hòa giải; nhân rộng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến đạt 30% trên tổng số tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hòa giải thành của các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đạt trên 80%” vào nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp. Trong năm 2024, sở tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, đảm bảo đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp với UBND các huyện, thành phố nhân rộng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 578/1.647 tổ hòa giải điển hình tiên tiến, chiếm 35% tổng số tổ hòa giải toàn tỉnh (tăng 183 tổ hòa giải điển hình tiên tiến so với năm 2023 và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra 5%).
Cùng đó, các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở. Trong năm 2024, toàn tỉnh tổ chức được trên 8.900 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 1,3 triệu lượt người nghe, trong đó có nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở.
Đáng chú ý, các cấp chính quyền trong tỉnh đã tích cực thực hiện Kế hoạch số 115 ngày 27/5/2024 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 315 ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”. Theo đó, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tại cấp huyện và một số xã có nhiều vụ việc tranh chấp mâu thuẫn phát sinh và có tỷ lệ hòa giải thành thấp để bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Trong năm 2024, sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố và chính quyền cấp xã tổ chức 18 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kỹ năng tuyên truyền pháp luật; kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở với trên 2.600 đại biểu tham dự.
Không chỉ Sở Tư pháp mà các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên. Ông Hoàng Văn Chung, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tư pháp huyện Bình Gia thông tin: Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, huyện đã tổ chức và thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Từ đó nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở. Trong năm 2024, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện hòa giải thành 175/216 vụ, đạt 81%. Qua hoạt động hòa giải, các hòa giải viên đã trực tiếp tuyên truyền các quy định của pháp luật đến người dân, góp phần làm giảm số lượng đơn thư khiếu kiện trên địa bàn.
Bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Cụ thể trong năm 2024, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và hòa giải thành 2.607/3.113 vụ việc, đạt 83,7%, cao hơn 5,4% so với năm 2023 và vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp đề ra 3,7%. Qua đó, góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, hạn chế đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân, đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho 100% tổ trưởng tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhân rộng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến đạt trên 40%, thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” và xây dựng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở” tại 10 xã điểm trên địa bàn tỉnh.
DƯƠNG DUYÊN