Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Lê Quang Tùng, qua tổng hợp các cơ quan đều nhất trí với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và hầu hết các nội dung của dự thảo Nghị quyết do Ban soạn thảo đề xuất.
Trong đó có một số vấn đề như: Không quy định cứng trong nội quy kỳ họp Quốc hội về việc trình bày báo cáo thẩm tra; theo đó, việc trình bày hoặc không trình bày báo cáo thẩm tra (chỉ gửi đến ĐBQH), đối với từng nội dung sẽ thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật, nghị quyết có liên quan hoặc được Quốc hội xem xét, quyết định cụ thể để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Lê Quang Tùng.
Liên quan đến trách nhiệm giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết quy phạm pháp luật; quy định về quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt... để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm ít nhất 2 kỳ; không nên phân biệt kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường/kỳ họp không thường lệ. Ban soạn thảo nhận thấy khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 90 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định: "Quốc hội họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ".
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, xin được giữ cách thể hiện về số lượng kỳ họp thường lệ như trong dự thảo. Tuy nhiên, đây cũng là một ý kiến hợp lý trong quá trình đổi mới và xu hướng tổ chức nhiều kỳ họp nên Ban soạn thảo xin được ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu.
Về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, có ý kiến đề nghị giữ nguyên thời gian đại biểu phát biểu lần thứ nhất không quá 7 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút để bảo đảm đại biểu có thời gian tham gia ý kiến một cách đầy đủ, nhất là những nội dung phức tạp, chuyên môn sâu.
Ban soạn thảo đề nghị cho giữ quy định về việc đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội để tạo sự chủ động, linh hoạt trong quá trình điều hành phiên họp, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Đối với quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp, có ý kiến đề nghị rút gọn các quy trình tại kỳ họp liên quan đến việc bầu, phê chuẩn các chức danh của Nhà nước; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức, cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH...
Ban soạn thảo nhận thấy việc xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự là thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, cần phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng. Do đó, Ban soạn thảo xin được giữ các nội dung liên quan đến quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành.
Lê Bảo