Tại họp báo, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, đến tháng 4/2025, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương 3 Văn bản, đề án; trình Quốc hội thông qua 2 Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV và ban hành 5 Nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định; 11 Nghị quyết; 7 Quyết định; Bộ trưởng xem xét, ban hành 8 Thông tư.
Bộ Nội vụ đã tập trung tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương…
Quang cảnh buổi họp báo.
Cũng theo đại diện Bộ Nội vụ, trong quý II/2025, Bộ sẽ tập trung cao độ vào việc tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng tờ trình, đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, sẽ thực hiện đánh giá công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ báo cáo tình hình kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện…
Tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, liên quan đến tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính, cơ bản các địa phương cũng đã hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố phải sắp xếp). Các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từng địa phương cũng cơ bản đã hoàn thành.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được 20 hồ sơ Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của 20 địa phương. Để đảm bảo tiến độ đề ra, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của cả nước và trước ngày 15/5, Bộ Nội vụ sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn phát biểu tại họp báo.
Cũng theo ông Phan Trung Tuấn, sau khi Luật Cán bộ, công chức được ban hành, sẽ tiếp tục ban hành nghị định quy định cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã. Hiện nay, việc thực hiện vẫn đang căn cứ theo quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Về phương án nhân sự, hiện nay đang thực hiện theo nguyên tắc "Địa phương quyết định, địa phương tổ chức thực hiện" trong việc bố trí nhân sự cấp xã. Việc bố trí cán bộ cấp xã không giới hạn ở Giám đốc sở, Thành ủy viên hay Tỉnh ủy viên; địa phương có thể bố trí cả Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữ chức vụ Bí thư cấp xã nếu phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Nội dung sắp xếp, bố trí nhân sự của từng xã do địa phương chủ động quyết định và tự chịu trách nhiệm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, theo Nghị quyết 76 về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, thẩm quyền được giao hoàn toàn cho các địa phương. Bộ Nội vụ không đề xuất quy định chi tiết theo bất kỳ phương án cụ thể nào, nhằm đảm bảo địa phương chủ động quyết định, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và tạo sự đồng thuận trong nhân dân…
HG