Sáng 10/11, HĐND TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - chính quyền trả lời” tháng 11 với chủ đề “Thi hành án dân sự - quyền và nghĩa vụ của công dân”.
Tại chương trình, cử tri TP.HCM đã đặt nhiều câu hỏi về tình hình, kết quả thực hiện công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, các vụ việc, trường hợp cụ thể về bán đấu giá tài sản nhưng chưa bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, hay lý do bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành,…
Cử tri TP.HCM đặt câu hỏi trong chương trình “Dân hỏi - chính quyền trả lời” diễn ra sáng nay. (Ảnh chụp màn hình)
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cho biết, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM luôn là đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng việc và tiền phải thi hành án hàng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành án xong chỉ đạt khoảng trên dưới 80%.
Chia sẻ về khó khăn, vướng mắc của ngành, ông Nguyễn Thanh Hà cho biết, hằng năm số lượng việc mà ngành phải thi hành án chiếm từ 11% – 14% và về tiền chiếm từ 37 – 40% của cả nước. Trong khi đó, biên chế toàn ngành thi hành án dân sự TP.HCM chỉ chiếm khoảng 6% của cả nước.
So sánh số lượng việc và tiền phải thi hành án của năm 2023 với năm 2013, ông Hà cho hay, số lượng việc đã tăng 3,8 lần và về tiền tăng 5,7 lần, nhưng biên chế của ngành vẫn không tăng mà còn bị cắt giảm 44 biên chế.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết thời gian tới công tác thi hành án dân sự trên địa bàn TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh chụp màn hình)
Không chỉ khó khăn về nhân sự, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết thêm, hiện nay toàn thành phố mới chỉ có 12/23 đơn vị Thi hành án dân sự có kho vật chứng. Các đơn vị còn lại phải sử dụng một phần diện tích trụ sở để bố trí kho, hoặc gửi các tang vật, tài sản ở các cơ quan có liên quan như: công an, quản lý thị trường hoặc thuê kho, bãi để bảo quản các tang vật, tài sản để thi hành án.
Ông Nguyễn Thanh Hà nhận định, thời gian tới công tác thi hành án dân sự của TP.HCM sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là phải tổ chức thi hành nhiều vụ án, đại án như: vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, giai đoạn 2.
Mặt khác cơ chế của Luật thi hành án hiện nay cũng gây áp lực, khó khăn cho chấp hành viên khi thực hiện định giá đối với một số loại tài sản đặc thù như trái cây, nông sản dễ hư hỏng, khó xác định giá trị.
“Đối với loại tài sản tươi sống, mau hỏng, đòi hỏi phải xử lý trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay lại thiếu vắng các quy định liên quan và trong đó giao một trách nhiệm hết sức nặng nề cho chấp hành viên là xác định giá trị đối với loại tài sản này. Trong khi đó phần lớn chấp hành viên chỉ được đào tạo chuyên môn cử nhân luật thôi, chứ không được đào tạo chuyên môn về thẩm định giá. Trước đây, thì luật có cơ chế là thành lập Hội đồng thẩm định giá, nhưng hiện nay thì không còn nữa” - ông Nguyễn Thanh Hà nói.
Bà Nguyễn Thị Thu, Chi Cục trưởng Chi Cục Thi hành án dân sự TP. Thủ Đức, TP.HCM trả lời thắc mắc của cử tri. (Ảnh chụp màn hình)
Lý giải về việc bán đấu giá tài sản để thi hành án nhiều lần nhưng không thành, bà Nguyễn Thị Thu, Chi Cục trưởng Chi Cục Thi hành án dân sự TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân tình hình kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn, kéo theo thị trường bất động sản trầm lắng. Mặt khác, tâm lý mua tài sản thi hành án của người dân vẫn còn e dè…
Từ năm 2020 đến nay, qua công tác kiểm tra Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã phát hiện 5 công chức có hành vi tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự, trong đó có 3 công chức thành viên và 2 thư ký.
Các cá nhân sai phạm đã bị xử lý nghiêm khắc theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định. Trong đó, kỷ luật cảnh cáo 2 công chức, buộc thôi việc 3 công chức (trong số này có 1 trường hợp chuyển cơ quan điều tra).
Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM