Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thành phố Dubai là thủ đô của Tiểu vương quốc Dubai, nơi đông dân nhất trong số 7 tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Dubai hiện nay đã trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới, nổi bật với các sáng kiến công nghệ và mô hình phát triển đột phá.
Thành phố này đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, đồng thời khuyến khích sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ cao như dữ liệu lớn, blockchain, và công nghệ sinh học.
Tuần qua, cộng đồng blockchain toàn cầu đã tập trung về Dubai - biểu tượng đổi mới sáng tạo của thế giới để tham dự một trong những sự kiện quan trọng nhất toàn ngành - Binance Blockchain Week 2024 (BBW). Sự kiện năm nay thu hút hàng ngàn người tham gia trực tiếp và hàng triệu người theo dõi qua Internet.
Bài học từ thành công của Dubai
Tại BBW 2024, ông Khalfan Belhoul - CEO của Dubai Future Foundation (Quỹ Tương lai Dubai - DFF) đã chia sẻ bí mật về cách Dubai vươn mình trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới.
Ông cho biết, chính phủ nước này đã tiếp cận một cách chủ động trong việc thúc đẩy các công nghệ mới như blockchain, Web3. Họ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, giải quyết các thách thức về luật. Khi các khu vực pháp lý được thiết lập một cách rõ ràng, cả người dùng và các nhà phát triển dự án đều có thể an tâm thử nghiệm các xu hướng mới. Đây là chìa khóa để Dubai trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp blockchain quốc tế.
Ông Khalfan Behoul - CEO của Dubai Future Foundation (trái) và ông Richard Teng - CEO Binance tại BBW 2024. (Ảnh: Binance)
Ông Belhoul nhấn mạnh những thay đổi của Dubai trước tiên đến từ tầm nhìn của các lãnh đạo. Họ đã biến Dubai trở thành “ngọn hải đăng” của cả khu vực về đổi mới sáng tạo, xu hướng áp dụng công nghệ mới nhằm kiến tạo một xã hội hòa bình, ổn định.
Ông cho rằng quyền tự do thử nghiệm cũng quan trọng như việc có một “đối tác” tin cậy khi mọi thứ bắt đầu mở rộng nhanh chóng. Dubai đang xây dựng các tiêu chuẩn để trở thành “đối tác tin cậy” mà cộng đồng blockchain đang tìm kiếm.
Ông Khalfan Belhoul cũng đặc biệt đề cao vai trò của các công ty tiên phong trong lĩnh vực blockchain về việc tuân thủ các quy định để “làm gương” cho toàn ngành. “Ở một khía cạnh nào đó, những doanh nghiệp như Binance cũng giống Dubai về tầm nhìn đột phá, vượt qua những thách thức hiện tại để vạch ra cho mình một lộ trình rõ ràng trong tương lai." Ông cho rằng hợp tác, tư duy sáng tạo để vượt qua những hỗn loạn hiện tại là cách tốt nhất để có thể thúc đẩy blockchain phát triển đột phá.
Đồng quan điểm với Khalfan Belhoul, đồng sáng lập Binance bà Yi He cho rằng một trong những công thức quan trọng để dẫn đến thành công là luôn suy nghĩ tích cực và làm tốt nhất những gì có thể để có thể kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Bà Yi He cho biết đến nay, các công ty hàng đầu trong ngành như Binance đã trở thành một phần của thế giới tài chính truyền thống. Bà cho rằng để làm được điều đó, công ty đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc tìm cách cân bằng và tuân thủ tối đa các quy định về pháp lý tại mỗi nơi Binance xuất hiện.
Bà Yi He - đồng sáng lập Binance (phải) tại BBW 2024. (Ảnh: Binance)
Nữ tướng Binance thừa nhận quá trình chuyển đổi này cũng là một thách thức lớn. "Đôi khi, những người bản địa trong lĩnh vực blockchain, Web3 hỏi chúng tôi liệu có còn là một phần của cộng đồng hay không vì chúng tôi làm việc rất nhiều với các cơ quan quản lý? Tôi có thể khẳng định, hợp tác là bước quan trọng để đạt được sự chấp thuận rộng rãi. Cộng đồng phi tập trung không thể phủ nhận vai trò của chính phủ. Binance đang có hơn 240 triệu người dùng trên toàn cầu, nhưng nếu muốn phục vụ một tỷ người, chúng tôi phải hợp tác với cơ quan quản lý. Đó là cách chúng tôi trở thành Google, Amazon tiếp theo trong thế giới Web3," bà Yi He nhận định.
Các chuyên gia cho rằng để tương lai đó thành hiện thực, hợp tác quốc tế là đặc biệt quan trọng để thiết lập những tiêu chuẩn thống nhất. Mặc dù việc đạt được điều này rất phức tạp do khuôn khổ pháp lý của mỗi nước khác nhau. Tuy nhiên việc thích ứng chủ động và điều chỉnh theo quy định được là chiến lược cần thiết để điều hướng ngành công nghiệp năng động này.
Cơ hội của Việt Nam trong tương lai gần
Trong chuyến thăm ba nước Trung Đông lần đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dịp cuối tháng 10/2024 vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều cơ hội hợp tác mới. Sự kiện này không chỉ đánh dấu mối quan hệ gắn kết hơn với các quốc gia giàu tiềm năng trong khu vực mà còn mang lại những bài học quý giá về cách thu hút nguồn lực, nguồn vốn, cùng những cơ chế và chính sách phát triển hiệu quả.
Một trong những điểm nổi bật của chuyến thăm là việc thúc đẩy hợp tác về công nghệ, một lĩnh vực mà Trung Đông hiện đang đầu tư mạnh mẽ. Các quốc gia như UAE, Saudi Arabia và Qatar đã xây dựng thành công các khu vực công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo, thu hút các nhà đầu tư và tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Thông qua các cuộc gặp và trao đổi, Việt Nam đã mở ra cơ hội tiếp cận với các công nghệ hiện đại cũng như các đối tác sẵn sàng hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch điều hành Trung tâm Tài chính Dubai Arif Amiri. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Dubai, một trong những trung tâm kinh tế và tài chính hàng đầu của khu vực, là hình mẫu về khả năng thu hút nguồn vốn quốc tế và đầu tư công nghệ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo cấp cao của UAE để tìm hiểu về cách họ đã thành công trong việc xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch và thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Mô hình phát triển của Dubai dựa trên chính sách thu hút nhân tài quốc tế, ưu đãi thuế và đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao. Những bài học từ Dubai là vô cùng giá trị đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế và thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi.
Với những định hướng, thỏa thuận đã đạt được, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt cơ sở quan trọng để chuyển hóa những cơ hội, tiềm năng thành những dự án hợp tác cụ thể, thực chất, hiệu quả thời gian tới với ba nước và khu vực trên các lĩnh vực; trong đó tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đặc biệt là trong những trụ cột hợp tác về năng lượng, dầu khí, lương thực, lĩnh vực Halal, các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về đưa an ninh, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân... để trở thành nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với các nước.
Thành phố Dubai về đêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thông qua chuyến thăm ba nước Trung Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng, giúp củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các thỏa thuận hợp tác không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam như một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ.
Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ là bước khởi đầu cho những hợp tác mới mà còn mang lại những bài học phát triển vô cùng giá trị từ Trung Đông. Với tầm nhìn dài hạn, Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình phát triển thành công của các quốc gia này để thúc đẩy nền kinh tế, phát triển công nghệ và xây dựng một hệ sinh thái đầu tư hiệu quả và bền vững./.
(Vietnam+)