Q2: Nỗ lực và năng lực, cái nào quan trọng hơn?
Trong cuộc đời và công việc, để có kết quả thì cần có năng lực. Nhưng để làm nên một điều tuyệt vời thì cần có lòng nhiệt tình và sự nỗ lực hết mình.
Tôi cho rằng ba yếu tố cách nghĩ, sự nỗ lực và năng lực có thể tạo nên công thức quyết định kết quả của cuộc đời và công việc.
Kết quả của Cuộc đời/ = Cách nghĩ x Sự nỗ lực Công việc x Năng lực
Nếu theo công thức này thì cho dù năng lực ở mức bình thường, chỉ có 60 điểm đi nữa vẫn có được kết quả tốt nếu sự nỗ lực là 80 điểm: 60 điểm x 80 điểm = 4.800 điểm.
Hay hơn thế, nếu sự nỗ lực 90 điểm thì bạn có được kết quả to lớn. Nhưng một người thông minh, tốt nghiệp Đại học hàng đầu, có điểm năng lực 90 mà điểm nỗ lực chỉ có 30 thì kết quả chỉ có 2.700 điểm.
Cách nghĩ có thang điểm từ -100 đến + 100, và đây là toán nhân nên nếu có cách nghĩ sai lệch, tiêu cực hoặc chỉ biết sống ích kỷ thì mọi kết quả đều bị âm.
Cuộc đời là những chặng đua. Ảnh: Freepik.
Tôi đã làm theo công thức này, cố gắng từng chút một để cuộc đời và công việc có kết quả mỹ mãn. Có thể bạn chỉ có chút ít năng lực, nhưng nếu kiên trì nỗ lực và có cách nghĩ tích cực, cuộc đời bạn sẽ tốt đẹp.
Q3: Người lãnh đạo phải hy sinh bản thân sao?
Khi nỗ lực không thua bất kỳ ai, bạn sẽ chỉ tập trung vào công việc. Với ý nghĩa đó, đôi khi tôi nghĩ thật là buồn khi cuộc sống thường ngày không có sự thong thả, không có sở thích gì, cũng có không gì để giải trí. Cuộc đời không có sở thích, không có vui chơi hơi tẻ nhạt, nhưng khi nghe được những lời nói an ủi, lòng tôi như được giải thoát.
Đó là lời của James Allen, nhà tư tưởng Anh quốc đầu thế kỷ 20. Khi tôi chỉ toàn làm việc, có cảm giác như đã đánh mất điều gì đó quan trọng, thì đọc được những lời này: “Những người không nắm bắt được thành công là những người hoàn toàn không hy sinh lòng ham muốn của bản thân”. Nghĩa là, nếu không hy sinh lòng ham muốn của mình thì không thể thành công. James Allen còn nói: “Nếu mong mỏi thành công, phải hy sinh cái tôi ở mức tương đương. Nếu muốn đại thành công, phải hy sinh cái tôi to lớn, còn nếu muốn thành công hơn tất cả, phải hy sinh cái tôi to lớn hơn tất cả”.
Tôi cảm thấy như mình được khích lệ, tuy phải từ bỏ cái tôi trong khi rất muốn vui chơi thỏa thích, nhưng đó là cái giá xứng đáng để có được thành công, để làm cho mọi việc đi đến thành công. Tôi xác tín rằng: “Đúng rồi. Nếu là vậy thì những thành công từ trước đến nay của Kyocera là nhờ chúng ta đã hy sinh bản thân. Và phần thưởng đó chính là sự phát triển của công ty”.
Inamori Kazuo/NXB Trẻ