Nghe tiếng cười, ngắm hoa khi đi dạo quanh khu phố hoặc làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác có thể cải thiện đáng kể sức khỏe cảm xúc của mọi người.
Chỉ cần 5 phút mỗi ngày để thay đổi tinh thần
Theo nhóm nghiên cứu do giáo sư Elissa Epel, chuyên gia về căng thẳng và lão hóa tại Đại học California San Francisco (UCSF) ở Mỹ, đứng đầu, chỉ cần dành 5 phút mỗi ngày cho các “hành động nhỏ tạo niềm vui” là đủ để tăng cảm xúc tích cực và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Elissa Epel cho biết: “Chúng tôi thực sự bất ngờ trước mức độ cải thiện đáng kể trong sức khỏe cảm xúc của mọi người.”
Nghiên cứu này được thực hiện thông qua dự án trực tuyến “Big Joy Project”, theo dõi gần 18.000 người – chủ yếu đến từ Mỹ, Anh và Canada – trong khoảng thời gian 2 năm tính đến năm 2024.
Đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm chứng xem những hành động nhỏ, dễ thực hiện và tốn ít thời gian có thể mang lại hiệu quả thực sự và lâu dài hay không. Những người tham gia được yêu cầu thực hiện các hành động kéo dài từ 5 đến 10 phút mỗi ngày trong vòng một tuần.
Kết quả cho thấy chỉ sau một tuần, mức độ cải thiện về sức khỏe tinh thần của họ tương đương với các chương trình cần nhiều tháng tham gia lớp học hàng giờ liên tục.
Những hành động như chia sẻ khoảnh khắc ăn mừng với người khác, làm điều gì đó tử tế cho người khác, lập danh sách biết ơn giúp mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Danh sách những việc làm đơn giản giúp tăng cảm xúc tích cực
Nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Internet Y khoa (Journal of Medical Internet Research), yêu cầu mỗi người tham gia thực hiện 7 hành động trong bảy ngày.
Những hành động này bao gồm: chia sẻ khoảnh khắc ăn mừng với người khác, làm điều tử tế cho ai đó, viết danh sách biết ơn và xem một đoạn video về thiên nhiên đầy cảm hứng.
Giáo sư Epel cho biết các nhiệm vụ được chọn nhằm khuyến khích cảm giác hy vọng, lạc quan, ngạc nhiên, kinh ngạc hoặc sự vui nhộn. Mỗi nhiệm vụ chỉ mất dưới 10 phút, kể cả phần trả lời câu hỏi ngắn trước và sau khi thực hiện.
Người tham gia được khảo sát về tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất trước và sau dự án kéo dài một tuần.
Các chỉ số đo lường bao gồm mức độ hài lòng với cuộc sống, cảm xúc tích cực, khả năng kiểm soát cảm xúc, mức độ căng thẳng và chất lượng giấc ngủ.
Kết quả cho thấy tất cả các lĩnh vực đều được cải thiện, và hiệu quả tăng dần theo mức độ tham gia của từng người — những ai hoàn thành đủ 7 ngày có cải thiện rõ rệt hơn so với những người chỉ làm hai hoặc ba ngày.
Người tham gia thuộc nhóm dân tộc thiểu số có mức cải thiện cao hơn người da trắng, trong khi người trẻ báo cáo nhiều lợi ích hơn so với người lớn tuổi.
Giáo sư Epel cho biết hiện chưa rõ lý do vì sao những hành động nhỏ này lại có tác động mạnh đến cảm xúc.
Bà đưa ra giả thuyết rằng các hành động này có thể giúp phá vỡ “vòng lặp suy nghĩ tiêu cực” như lo âu hoặc tự chỉ trích, qua đó chuyển hướng năng lượng tinh thần theo chiều hướng tích cực hơn.
Dù cần thêm nhiều nghiên cứu, giáo sư Epel khẳng định: “Tất cả những điều liên quan đến hạnh phúc này không phải là một thứ xa xỉ.”
Bà nói thêm: “Chúng ta thường nghĩ rằng sẽ cho phép bản thân hạnh phúc sau khi hoàn thành một điều gì đó. Nhưng chúng tôi muốn đảo ngược điều đó – chúng ta cần năng lượng của niềm vui để vượt qua những điều khó khăn. Đây là kỹ năng thật sự cần thiết.”
Theo Daily Mail
Hải Yến