Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố biểu đồ thuế quan quy mô lớn tại Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 2/4 - áp mức thuế cơ bản 10% cho tất cả quốc gia và mức cao hơn cho những “quốc gia vi phạm nghiêm trọng” - làn sóng chỉ trích và hoài nghi đã lan rộng khắp toàn cầu, theo SCMP.
Một trong những thắc mắc lớn nhất: Tại sao Việt Nam lại bị áp thuế lên tới 46%? Tương tự, Hàn Quốc bị áp 25%, Đài Loan 32%, Thụy Sĩ 31%, Indonesia 32%. Công thức nào dẫn đến những con số này?
Theo Phó thư ký Báo chí Nhà Trắng Kush Desai, họ đã “tính toán cả rào cản thuế quan và phi thuế quan”, kèm theo đó là công thức toán học đầy ký hiệu Hy Lạp được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, công thức tưởng như phức tạp này thực chất lại quá đơn giản - thậm chí là sai lệch nghiêm trọng.
Công thức tính mức thuế đối ứng với các quốc gia được Nhà Trắng công bố. Ảnh: Cơ quan đại diện thương mại Mỹ.
“Thiếu cơ sở”
Nhiều nhà kinh tế Mỹ cho rằng công thức này quá đơn giản hóa vấn đề. Họ cảnh báo rằng nếu áp dụng các phương pháp khác, kết quả có thể không như ý muốn của chính quyền Trump.
Dù đúng hay sai, việc áp dụng công thức này đồng loạt lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ đã chính thức châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn nhất trong gần một thế kỷ.
Sau khi áp mức thuế cơ bản 10% lên tất cả các đối tác, ông Trump tuyên bố rằng để xác định mức thuế với “kẻ vi phạm tồi tệ nhất”, đội ngũ của ông đã tính đến cả “thao túng tiền tệ và rào cản thương mại”.
Nhưng thực tế, các nhà phân tích phát hiện Nhà Trắng thực chất chỉ lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với từng nước, chia cho tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó, rồi chia đôi kết quả - và coi đó là “mức thuế công bằng”.
Ví dụ, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 440 tỷ USD và thâm hụt 295 tỷ USD. Công thức trên cho ra kết quả 67%, chia đôi thành 34% - chính là mức thuế chính quyền Trump tuyên bố áp lên Trung Quốc.
Công thức “ngắn gọn” này được áp dụng cho tất cả số quốc gia trong danh sách.
Công thức tính thuế tưởng phức tạp nhưng lại đơn giản của ông Trump bị giới kinh tế học nhận định là thiếu cơ sở và sai lầm. Ảnh: Reuters.
Chuyên gia Alex Durante từ Quỹ Thuế phi đảng phái tại Washington nhận định: “Công thức này cho rằng nếu không có rào cản thương mại, mọi quốc gia sẽ có cán cân thương mại bằng 0 - điều này hoàn toàn sai lầm”.
“Theo lý tưởng, để tính thuế tương hỗ, bạn chỉ cần lấy mức thuế trung bình của từng quốc gia, rồi Mỹ điều chỉnh cho khớp”, ông Durante nói thêm. Tuy nhiên, các rào cản phi thuế quan, như quy định nhập khẩu, khó đo lường hơn - dù một số mô hình đã cố gắng thực hiện.
Ông cho rằng rằng Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nơi chuẩn bị biểu đồ thuế, không chọn cách tiếp cận này vì “họ sẽ không thích câu trả lời mà nó mang lại - có thể là tăng thuế ít hơn hoặc thậm chí giảm thuế trong một số trường hợp”.
Giới kinh tế học phản đối
Giáo sư Nancy Qian, kinh tế gia tại Đại học Northwestern, cảnh báo rằng kỳ vọng mỗi cặp quốc gia đều phải có cán cân thương mại cân bằng “không hợp lý trong thế giới thương mại đa phương”.
“Nếu Trung Quốc bán giày thể thao cho Mỹ, Mỹ bán dịch vụ cho châu Âu, và châu Âu bán hàng xa xỉ cho Trung Quốc, mối quan hệ song phương sẽ có chênh lệch thương mại, dù mối quan hệ vẫn công bằng và lành mạnh”, bà giải thích.
Ông Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel tại Đại học Thành phố New York, gọi các mức thuế mới là “hoàn toàn điên rồ” trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC.
Trên trang Substack, ông khuyên độc giả “cứ bỏ qua các ký hiệu Hy Lạp” vì chúng “sẽ triệt tiêu nhau hết”.
“Công thức này cho rằng mức độ bảo hộ của một quốc gia bằng thặng dư thương mại với Mỹ chia cho xuất khẩu sang Mỹ”, ông viết.
Lawrence Summers, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời chính quyền Clinton và cựu Hiệu trưởng Đại học Harvard, người chỉ đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời chính quyền Barack Obama thậm chí còn mỉa mai công thức này.
Ông Lawrence Summers, người từng giữ nhiều vai trò quan trọng dưới thời Clinton và Obama mỉa mai công thức tính thuế của chính quyền Trump. Ảnh: Reuters.
Ông ví các mức thuế này với lập trường phản đối vaccine của Robert F. Kennedy Jr. (RFK), một quan điểm thường bị giới chuyên gia chỉ trích là thiếu cơ sở khoa học và tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
“Công thức này đối với kinh tế học giống như thuyết sáng tạo đối với sinh học, chiêm tinh học với thiên văn học, hay tư duy của RFK với khoa học vaccine”, ông viết trên X.
Công cụ đàm phán và truyền thông
Trong khi đó, ông David Bieri, giáo sư tại Trường Quan hệ Công chúng và Quốc tế Virginia Tech và từng làm việc tại Ngân hàng thanh toán quốc tế, cho rằng những người chỉ trích công thức này đang mắc “sai lầm lớn về khái niệm”.
Ông lập luận rằng công thức của Trump chỉ là “công cụ chiến lược để đàm phán và truyền thông” điều mà các nhà hoạch định chính sách quốc tế thường làm.
“Tôi đưa ra một con số, nói dựa vào công thức này. Bên kia đưa ra con số khác, dựa vào công thức khác. Đó là cách mà giới hoạch định chính sách toàn cầu thường làm việc”, ông Bieri lý giải.
Ivan Werning, một nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), thừa nhận trên mạng xã hội rằng khi áp dụng riêng lẻ với một đối tác thương mại nhỏ, công thức này có phần hợp lý.
Tuy nhiên, khi áp dụng rộng rãi, ông viết: “Lý thuyết kinh tế cho thấy rõ rằng bạn khó có thể đạt được mức cải thiện cán cân thương mại mạnh như vậy, và cần thêm nhiều tham số khác để đánh giá - bao gồm cả các yếu tố liên quan đến quyết định tiết kiệm và đầu tư”.
Dẫu vậy, với nhiều người, không lời giải thích nào đủ thuyết phục cho các mức thuế cao ngất ngưởng này.
Ông Randall Holcombe, nhà kinh tế tại Đại học Bang Florida, gọi cách tiếp cận của Trump với thâm hụt thương mại là “sai ngay từ nền tảng”.
Ông đưa ra ví dụ: “Nếu Mỹ mua chuối từ Costa Rica, Costa Rica nhập ôtô từ Nhật Bản, và Nhật Bản mua lúa mì từ Mỹ, mỗi nước đều có thâm hụt song phương với một nước nào đó, nhưng tổng thể, xuất nhập khẩu có thể cân bằng”.
Phương Linh