Công thức tính thuế đối ứng của Nhà Trắng có gì đặc biệt?

Công thức tính thuế đối ứng của Nhà Trắng có gì đặc biệt?
21 giờ trướcBài gốc
Khi công bố danh sách thuế quan nhắm vào hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, Tổng thống Donald Trump liên tục nhấn mạnh rằng mức thuế với mỗi quốc gia là "có đi có lại" - phản ánh các rào cản của các quốc gia này đối với hàng hóa của Mỹ.
Ông Trump không nói nhiều về phương pháp luận đằng sau những tính toán đó.
Có nhiều giả thuyết đã xuất hiện. Một ý kiến phổ biến cho rằng mức thuế quan mới của Mỹ với mỗi quốc gia được tính bằng cách: Lấy thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu với quốc gia đó và chia cho lượng hàng xuất khẩu mà quốc gia đó gửi vào Mỹ; con số sau đó được giảm một nửa để thể hiện thiện chí.
Cây viết tài chính James Surowiecki là người đầu tiên chỉ ra xu hướng này trong một bài trên mạng xã hội X. Bình luận của ông đã gây ra nhiều đồn đoán, vì trước đó ông Trump nói rằng mức thuế quan với mỗi quốc gia sẽ là "mức thuế kết hợp của tất cả các thuế quan, rào cản phi tiền tệ" và các yếu tố khác.
Những rào cản phi tiền tệ đó có thể bao gồm những chính sách mà ông Trump coi là lý do chính khiến Mỹ phải trải qua tình trạng mất cân bằng thương mại.
Dù vậy, vẫn có một số ngoại lệ khi một số quốc gia chỉ phải đối mặt với mức thuế tối thiểu tiêu chuẩn là 10%.
(Ảnh minh họa)
Trong một cuộc họp báo trước đó với các phóng viên, các quan chức Nhà Trắng cho biết các con số được Hội đồng Cố vấn Kinh tế tính toán bằng các phương pháp đã được thiết lập cụ thể. Vị quan chức nói thêm rằng mô hình này dựa trên khái niệm rằng thâm hụt thương mại mà Mỹ có với bất kỳ quốc gia nào là tổng của tất cả các hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng do quốc gia đó thực hiện.
Công thức của Nhà Trắng
Nhà Trắng sau đó làm rõ phương pháp luận trong tuyên bố của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Mặc dù sử dụng một số ký hiệu toán học có thể khó phân tích, theo New York Times, tuyên bố này về cơ bản xác nhận công thức dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia nước ngoài, chia cho kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó.
Emily Kilcrease, giám đốc Chương trình Năng lượng, Kinh tế và An ninh tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới và là cựu phó trợ lý đại diện thương mại Mỹ, cho biết: "Việc đưa ra mức thuế quan có đi có lại chính xác luôn là một bài toán thực sự khó khăn. Với mong muốn đưa ra một cái gì đó nhanh chóng, có vẻ như những gì họ đã làm là đưa ra một ước tính phù hợp với các mục tiêu chính sách của họ".
Công thức tính thuế của Nhà Trắng.
Công thức được giải thích như sau: Xem xét một bối cảnh trong đó Mỹ áp đặt mức thuế suất τi đối với quốc gia iΔτi phản ánh mức thay đổi thuế quan (con số được liệt kê trong danh sách thuế mới).
Gọi εφ> 0 là mức độ chuyển tiếp thuế quan vào giá nhập khẩu (thường dương vì thuế tăng làm tăng giá), mi là tổng kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia i, và xi là tổng kim ngạch xuất khẩu. Khi đó, mức giảm nhập khẩu do thay đổi thuế quan được tính bằng Δτi*ε*φ*mi
Giả định rằng ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái và cân bằng tổng thể đủ nhỏ để có thể bỏ qua, mức thuế đối ứng đảm bảo cán cân thương mại song phương bằng không được xác định như hình.
USTR cho biết: "Trong khi các mô hình thương mại quốc tế thường cho rằng thương mại sẽ tự cân bằng theo thời gian, Mỹ đã liên tục thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm thập kỷ, cho thấy tiền đề cốt lõi của hầu hết các mô hình thương mại là không chính xác...
Mặc dù việc tính toán riêng lẻ các tác động thâm hụt thương mại của hàng chục nghìn chính sách thuế quan, quy định, thuế và các chính sách khác ở mỗi quốc gia là phức tạp, nếu không muốn nói là không thể, nhưng tác động kết hợp của chúng có thể được đại diện bằng cách tính mức thuế quan phù hợp với việc đưa thâm hụt thương mại song phương về mức 0.
Nếu thâm hụt thương mại dai dẳng do các chính sách và nguyên tắc cơ bản về thuế quan và phi thuế quan, thì mức thuế quan phù hợp với việc bù đắp các chính sách và nguyên tắc cơ bản này là có đi có lại và công bằng".
Phương Anh (Tổng hợp )
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/cong-thuc-tinh-thue-doi-ung-cua-nha-trang-co-gi-dac-biet-ar935485.html