Trong trích đoạn hậu trường mới nhất vừa được ê-kíp Công Tử Bạc Liêu chia sẻ, nhà sản xuất Giang Hồ đã hé lộ nguồn cảm hứng đầu tiên giúp dự án thành hình: chiếc máy bay tư nhân đầu tiên của người Việt do chính người Việt cầm lái. Giám đốc sản xuất Thủy Nguyễn và nhà sản xuất Giang Hồ đã quyết tâm chuyển thể những giai thoại nổi tiếng về ông thành bộ phim điện ảnh, qua đó tái hiện nét đặc trưng văn hóa miền Nam đầu thế kỷ 20 và những thú ăn chơi xa hoa hiếm thấy trên màn ảnh Việt.
Để mang đến sự chân thực tối đa cho bộ phim "Công tử Bạc Liêu", chiếc máy bay tư nhân phiên bản 1:1 đã được ê-kíp sản xuất đầu tư rất nhiều thời gian và công sức với chi phí lên đến hơn 500 triệu đồng. Vì đây là một chế tác phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao, ê-kíp đã phải huy động một đội ngũ nghệ nhân hàng đầu để gia công trong suốt 4 tháng liên tục.
Quá trình chế tạo mô hình máy bay Morane-Saulnier tỷ lệ 1:1 phục vụ quay phim "Công tử Bạc Liêu" được thực hiện tỉ mỉ, yêu cầu độ chính xác cao ở từng bước. Đầu tiên, đội ngũ thiết kế nghiên cứu các thông số kỹ thuật 2D từ nguồn tài liệu của Pháp, sau đó nhóm kỹ xảo dựng lại mô hình 3D và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chuyển sang giai đoạn sản xuất.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ghi hình từ nhiều góc máy khác nhau cũng như thuận tiện cho việc vận chuyển và lắp ráp, ê-kíp "Công tử Bạc Liêu" đã chia máy bay thành ba phần chính: thân máy bay, cánh trái và cánh phải. Quá trình lắp ráp gặp không ít khó khăn và phải trải qua hơn 5 lần lắp ráp mới thành công vì chưa ai trong đội ngũ từng tiếp xúc với loại máy bay này trong thực tế. Máy bay được vận chuyển bằng xe cẩu lớn trọng tải 10 tấn và di chuyển toàn bộ trong đêm để đi từ bối cảnh này sang bối cảnh khác.
Để thực hiện các cảnh quay chiếc máy bay cất cánh, nhóm thiết kế đã lựa chọn vật liệu cẩn thận, đảm bảo mô hình đủ nhẹ để có thể kéo đi được. Nguyên vật liệu chủ yếu bao gồm nhôm, vải sợi poly xuyên sáng, sắt vuông, sắt tròn, cánh quạt in 3D và nội thất được bọc da nhân tạo, tái hiện phong cách sang trọng của cậu Ba Hơn.
Sự cầu kỳ trong từng chi tiết nhỏ đã biến chiếc máy bay không chỉ là một đạo cụ, mà còn trở thành một vật thể sống động, góp phần tái hiện chân thực bối cảnh đầu thế kỷ 20 trong bộ phim.
Đại diện ê-kíp "Công tử Bạc Liêu" chia sẻ: "Chúng tôi muốn khán giả không chỉ xem một bộ phim, mà còn phải thực sự được sống trong những tháng năm đầy màu sắc của thế kỷ 20. Chiếc máy bay tại buổi họp báo là cách chúng tôi đưa khán giả vào không gian của bộ phim, nơi mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa và cảm xúc riêng".
"Công tử Bạc Liêu" khởi chiếu từ 06/12.
Thu Hà
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/cong-tu-bac-lieu-chi-nua-ty-dong-che-tac-may-bay-285267.htm