Phần mềm giám sát an toàn (ngành điện) được áp dụng chính thức kể từ ngày 31/12/2018 với nhiều tiện ích như: phân hệ giám sát an toàn Phiếu công tác/Lệnh công tác (PCT/LCT), giám sát công việc, sinh hoạt an toàn, công tác kiểm tra an toàn lao động, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác huấn luyện và sát hạch an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) - an toàn điện, công tác phòng, chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ, công tác hành lang an toàn lưới điện cao áp, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, kế hoạch công tác an toàn, quản lý dụng cụ an toàn và thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công tác tuần... Việc ứng dụng phần mềm giúp các bộ phận liên quan phối hợp thực hiện công việc theo trình tự, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả công tác...
Nhóm công tác tại hiện trường đang chụp ảnh và cập nhật hình ảnh thi công vào phần mềm quản lý an toàn
Ông Đỗ Xuân Phương - Phó Giám đốc Điện lực Cao Lãnh cho biết, ứng dụng phần mềm giám sát an toàn, tại hiện trường, người chỉ huy trực tiếp (CHTT), người cho phép, người giám sát an toàn, nhân viên công tác, người lãnh đạo công việc phải thực hiện đầy đủ trình tự các bước thì PCT/LCT mới thực hiện được. Sau đợt nâng cấp phần mềm vào tháng 11/2024, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã bổ sung nhiều tính năng tự kiểm tra, giám giát thực hiện phiếu nhằm tránh thiếu sót cho người thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều tiện ích được bổ sung như: truy vết vị trí, thời gian, user đăng nhập... được vào các chức năng tại PCT/LCT điện tử, người kiểm tra có thể xem lại các bước đã thực hiện PCT/LCT, kiểm soát chặt chẽ việc nhận diện mối nguy và giảm thiểu rủi ro; chức năng copy PCT/LCT để giảm thời gian cho người cấp phiếu, người ra lệnh công tác khi tạo PCT/LCT mới; đơn vị ngoài chọn từ danh sách nhân viên đơn vị ngoài đã tạo.
Ông Lê Văn Kiệt - CHTT Điện lực Cao Lãnh, chia sẻ: “Thực hiện đầy đủ các trình tự trên phần mềm giám sát an toàn giúp tinh gọn về các thủ tục giấy tờ phải đem theo, không phải bảo quản do thấm mồ hôi, mưa ướt... phần mềm giúp tôi và nhân viên công tác nhanh chóng kiểm tra các bước trong PCT/LCT, giảm thời gian ghi lại bằng tay các biện pháp an toàn đối với người CHTT và người cho phép; tích hợp phương án thi công và biên bản khảo sát hiện trường trong PCT/LCT, đối chiếu xem có đúng theo thực tế hiện trường không...”.
Theo ông Đoàn Thế Dinh - cán bộ an toàn, Điện lực Cao Lãnh, phần mềm giám sát an toàn có những tính năng nổi bật trong giám sát và cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn về an toàn như: theo hình ảnh gửi từng bước của PCT/LCT, người kiểm tra có thể tìm đến nhóm công tác để kiểm tra nhờ chức năng chỉ đường qua google map; truy vết được vị trí, thời gian, user đăng nhập vào các chức năng tại PCT/LCT điện tử, người kiểm tra có thể xem lại các bước đã thực hiện PCT/LCT; người CHTT ký xác nhận thì nhân viên đơn vị công tác mới ký vào ra phiếu được (tránh việc còn nhân viên công tác mà CHTT đã trả phiếu). Ngoài việc nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro theo phương án thi công và PCT/LCT người cấp phiếu đã thực hiện, người CHTT có thể bổ sung, biện pháp an toàn theo thực tế nhằm giảm thiểu các mối nguy trong công việc. Người cấp phiếu, người CHTT, người cho phép, người giám sát an toàn, nhân viên công tác, trực ban vận hành và người lãnh đạo công việc phải thực hiện đầy đủ trình tự các bước thì PCT/LCT mới hoàn thiện.
Thời gian qua, công tác quản lý an toàn lao động tại Công ty Điện lực Đồng Tháp được thực hiện đầy đủ theo các quy trình, quy định, Tập đoàn và Tổng công ty Điện lực miền Nam, cụ thể như: Quy trình an toàn điện ban hành theo Quyết định 959/QĐ-EVN ngày 26/07/2021, Quy trình thủy cơ nhiệt hóa ban hành theo Quyết định 881/QĐ-EVN ngày 15/07/2021, Quy định công tác an toàn trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ban hành theo Quyết định 1221/QĐ-EVN ngày 9/9/2021; Hướng dẫn thực hiện công tác an toàn lao động trong Tổng công ty Điện lực miền Nam ban hành theo Công văn số 10581/HD-EVN SPC ngày 25/12/2019,... Ngoài ra, Công ty Điện lực Đồng Tháp còn các văn bản triển khai hướng dẫn chi tiết để thực hiện công tác quản lý an toàn lao động như: Quy định Khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác ATVSLĐ, Hướng dẫn các loại hình công việc trên lưới điện; hướng dẫn sử dụng các dụng cụ an toàn - đo lường - thi công và các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động...
Từ những quy định chặt chẽ nêu trên, đã chế tài và ràng buộc người lao động phải tuyệt đối tuân thủ theo các quy định pháp luật về ATVSLĐ; đồng thời luôn có bộ phận kiểm tra, giám sát thực hiện công tác ATVSLĐ từ cấp Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực Đồng Tháp và các cấp Điện lực. Qua đó, ngày càng nâng cao ý thức chấp hành an toàn lao động của cán bộ, công nhân viên.
TN