Ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI ở Mỹ mong muốn nhân viene làm việc nhiều giờ hơn quy định. (Ảnh minh họa: Canva)
Bạn có muốn làm việc với thời gian dài gần gấp đôi mức tiêu chuẩn 40 giờ mỗi tuần không? Đây là câu hỏi ngày càng phổ biến trong những cuộc phỏng vấn ứng viên xin việc tại nhiều startup (công ty khởi nghiệp) ở Mỹ. Và để có được công việc, câu trả lời mà ứng viên đưa ra bắt buộc phải là một sự "đồng ý" đầy dứt khoát.
Theo trang tin Wired, không ít startup ở Mỹ đang áp dụng lịch làm việc cường độ cao vốn phổ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được gọi là “996” — tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần. Nói cách khác, một tuần làm việc của người lao động sẽ kéo dài tới 72 giờ, lớn hơn nhiều mức 40 giờ ở Mỹ.
Tại Trung Quốc, hiện tượng 996 từng gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ và bị chỉ trích dữ dội, đặc biệt sau hàng loạt vụ tử vong với nguyên nhân được cho là kiệt sức. Tuy nhiên bất chấp tiếng xấu đó, nhiều công ty Mỹ - đặc biệt là các startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) - lại đang tích cực tiếp nhận mô hình này. Thậm chí các công ty Mỹ còn dùng luôn tên gọi 996, khi họ ganh đua không chỉ với nhau mà cả với Trung Quốc.
Adrian Kinnersley, một doanh nhân nhiều lần khởi nghiệp và hiện điều hành hai công ty về tuyển dụng, cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy ngày càng nhiều startup Mỹ áp dụng 996 một cách triệt để. “Lịch làm việc này đang trở nên phổ biến một cách đáng kinh ngạc,” ông nói với Wired. “Chúng tôi có nhiều khách hàng yêu cầu ứng viên phải sẵn sàng làm việc theo lịch 996 mới được mời phỏng vấn.”
Trong thời kỳ đầu đại dịch COVID-19, các cuộc thảo luận về điều kiện lao động tại Mỹ thường xoay quanh vấn đề kiệt sức và nhu cầu linh hoạt. Ngay cả trong ngành công nghệ vốn nổi tiếng khắc nghiệt, nhiều công ty cũng đã cố gắng hướng tới việc tạo ra lịch làm việc cân bằng.
Nhưng giờ đây, làn sóng quan tâm tới 996 cho thấy cán cân đang nghiêng hẳn về phía ngược lại. Xu thế mới khiến người ta nhớ tới nội dung tối hậu thư "cực kỳ khắc nghiệt" mà Elon Musk từng đưa ra cho nhân viên mạng xã hội X, yêu cầu họ làm việc với cường độ cao hơn.
Điều thú vị là các công ty Mỹ không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những người sẵn sàng làm việc như vậy. Một số thậm chí xem đây là yếu tố cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp.
Công ty khởi nghiệp AI Rilla, doanh nghiệp chuyên phát triển phần mềm giúp thợ sửa ống nước và các nhà thầu khác ghi âm và phân tích cuộc trò chuyện với khách hàng để đàm phán giá cao hơn, cho biết gần như toàn bộ 80 nhân viên của họ đều tuân theo lịch làm việc 996.
“Có một cộng đồng nhỏ nhưng đang lớn mạnh gồm những người, nhất là thế hệ Gen Z như tôi, đã lớn lên cùng những câu chuyện về Steve Jobs và Bill Gates — những doanh nhân đã cống hiến trọn đời để xây dựng công ty thay đổi thế giới,” Will Gao, Giám đốc tăng trưởng của Rilla, chia sẻ. “Kobe Bryant đã dành toàn bộ thời gian thức để luyện tập bóng rổ, và tôi không nghĩ có ai phản đối điều đó.”
Rilla công khai rõ ràng kỳ vọng của mình. Trong các thông báo tuyển dụng, công ty nêu rõ nhân viên được kỳ vọng làm việc hơn 70 giờ mỗi tuần và khuyến cáo những ai “không thấy hào hứng” với lịch trình này thì đừng nộp đơn. Công ty cung cấp bữa sáng, trưa và tối tại văn phòng mỗi ngày, kể cả thứ Bảy.
Amrita Bhasin, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty khởi nghiệp AI trong lĩnh vực hậu cần mang tên Sotira, cho biết nhiều nhà sáng lập startup tại Vịnh San Francisco xem 996 là điều gần như bắt buộc trong giai đoạn đầu kinh doanh. “Hai năm đầu của một startup, bạn gần như phải làm theo lịch 996,” bà nói. Dù vậy, Bhasin cho rằng áp lực đó nên dành cho ban lãnh đạo, chứ không công bằng nếu áp đặt lên toàn bộ nhân viên: “Tôi không nghĩ chúng ta nên buộc họ làm theo mình.”
Một số nhà sáng lập đề xuất 996 như một tùy chọn dành cho những nhân viên tận tụy nhất, tạo nên một cơ cấu hai tầng, trong đó chỉ một số người được kỳ vọng làm thêm giờ. Ritchie Cartwright, nhà sáng lập công ty chăm sóc y tế từ xa Fella & Delilah tại San Francisco, gần đây đã đăng tải trên LinkedIn nói về nỗ lực chuyển một phần nhân viên sang lịch làm việc 996. Để thu hút sự tham gia, công ty đưa ra mức tăng lương 25% và gấp đôi cổ phần cho những ai đồng ý. Theo bài đăng, chưa đến 10% nhân viên đã đăng ký.
Để so sánh, tại Trung Quốc, sau nhiều năm đối mặt với phản ứng dữ dội từ người lao động, kể từ năm 2021, chính phủ đã bắt đầu siết chặt việc thực hiện lịch 996. Một số công ty công nghệ đã tạm thời rút lui, ít nhất là về mặt tuyên bố công khai, khỏi việc áp đặt lịch làm việc này.
Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, mô hình 996 dường như đang trỗi dậy. Mùa Hè vừa qua, nhà đầu tư mạo hiểm Harry Stebbings tại Anh đã khơi mào một cuộc tranh luận sôi nổi khi cho rằng ngay cả 996 vẫn là chưa đủ - và các startup thực sự tham vọng còn phải làm việc khắc nghiệt hơn nữa.
“Trung Quốc giờ đã chuyển sang ‘007’ rồi - ám chỉ lịch làm việc từ nửa đêm hôm trước đến nửa đêm hôm sau, 7 ngày một tuần - và dùng nhân sự luân phiên,” ông nói. “Nếu bạn muốn xây một công ty trị giá 100 triệu USD, thì làm việc 5 ngày/tuần là được. Nhưng nếu muốn đạt mốc 10 tỷ USD, bạn phải làm việc 7 ngày/tuần.”
Stebbings nhận xét rằng các công ty và nhân viên ở Mỹ hiện hứng thú với 996 hơn nhiều so với châu Âu. “Người châu Âu thường bị sốc khi bạn bảo họ làm việc vào cuối tuần,” ông nói.
Adrian Kinnersley cho biết ông lo ngại khi thấy nhiều công ty áp dụng 996 và như thế đã “vi phạm trắng trợn” luật lao động Mỹ. “California là trung tâm của AI, cũng là nơi xuất phát văn hóa 996 ở Mỹ, nhưng lại có luật lao động thuộc hàng nghiêm ngặt nhất nước,” ông nói. “Có một cơn cuồng loạn đang diễn ra trong cuộc đua phát triển AI, và rất nhiều người trẻ tài năng, trong cơn mê đó, đang quên đi rủi ro và hậu quả pháp lý mà họ có thể tạo ra”./.
(Vietnam+)