'Nhà tù' công sở Trung Quốc bị chỉ trích

'Nhà tù' công sở Trung Quốc bị chỉ trích
20 giờ trướcBài gốc
Văn hóa làm việc tại Trung Quốc luôn là chủ đề tranh luận trên MXH. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.
Công ty cung cấp sản phẩm nha khoa này có thể bị phạt vì đưa ra quy định khắc nghiệt, vô lý tại văn phòng. Nội quy của doanh nghiệp này bao gồm cấm sử dụng điện thoại di động, buộc nhân viên ăn trưa tại bàn làm việc và không được phép rời khỏi vị trí trong giờ hành chính.
Sự việc khiến nhiều người so sánh nơi đây với “nhà tù”, làm dấy lên làn sóng tranh luận về văn hóa làm việc tại xứ tỷ dân, theo SCMP.
Những quy định khắc nghiệt được áp dụng tại văn phòng của một doanh nghiệp Trung Quốc, khiến nhân viên cảm thấy như "đi tù". Ảnh minh họa: Reuters.
Quy định hà khắc
Super Deer, hay Xiaolumama trong tiếng Trung, là công ty cung cấp sản phẩm chăm sóc răng miệng tại Hợp Phì (An Huy, Trung Quốc), được nhắc đến trong ồn ào trên.
Theo dữ liệu của công ty, Super Deer, được thành lập vào năm 2016, chiếm 75% thị phần sản phẩm chỉ nha khoa trong nửa đầu năm 2023. Doanh số hàng năm của công ty được báo cáo là 400 triệu NDT (55 triệu USD).
Gần đây, một bản sao quy định văn phòng của doanh nghiệp này bất ngờ lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó, những quy định hà khắc như cấm nhân viên sử dụng điện thoại di động hoặc rời khỏi vị trí trong giờ làm việc được đưa ra.
Một số nhân sự của công ty cũng tiết lộ về việc bị ép buộc ngồi tại văn phòng trong giờ nghỉ trưa, đặt đồ ăn giao tận nơi và dùng bữa trên bàn làm việc.
Nếu không tuân thủ, nhân viên của doanh nghiệp sẽ bị phạt theo quy định. Hình phạt phổ biến là dọn dẹp văn phòng. Một số mô tả trải nghiệm đi làm của họ giống như “đi tù” hay “bị giam lỏng”.
Liu Chang, một nhân viên của công ty, chia sẻ với Zhengzai News về việc từng bị giám sát viên khiển trách vì sử dụng tai nghe trong giờ nghỉ trưa. Cô phải dùng đến đồng hồ thông minh để lén lút liên lạc với gia đình trong giờ hành chính.
Một nhân viên khác cũng tiết lộ các quy định khắc nghiệt hơn như xử phạt nhân sự không đặt ghế đúng cách hay hạn chế thời gian đi vệ sinh.
Ngoài ra, công ty còn phải đối mặt với các cáo buộc khác về việc giữ lại hợp đồng lao động của nhân viên, trốn tránh trách nhiệm bảo hiểm xã hội và sa thải nhân viên một cách bất hợp pháp.
Hình phạt có thể được đưa ra với doanh nghiệp Trung Quốc vì xâm phạm quyền nghỉ ngơi và tự do cá nhân của người lao động. Ảnh minh họa: Kaboompics.com/Pexels.
Nguy cơ bị phạt và làn sóng tẩy chay
Ngày 25/3, Đơn vị giám sát an ninh lao động Hợp Phì thông báo về việc mở một cuộc điều tra đối với Super Deer. Công ty vẫn chưa phản hồi về sự việc trên.
Hou Shichao, luật sư của Văn phòng luật Hebei Chizhou, cho biết: “Nếu công ty không thể biện minh cho các quy định hà khắc này bằng những lý do hợp lý như an toàn tại nơi làm việc hay bảo mật, những chính sách trên đã xâm phạm quyền nghỉ ngơi và tự do cá nhân của nhân sự”.
Sự việc gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Một người dùng cho biết từng đi phỏng vấn tại doanh nghiệp này và chứng kiến những quy định khắc nghiệt.
“Trong giờ nghỉ trưa, tôi xem một video bằng tai nghe. Đại diện phòng nhân sự đến và cảnh cáo tôi. Ngay cả trong giờ nghỉ trưa, phòng nhân sự vẫn theo dõi camera giám sát của công ty. Thật kinh khủng”, người này cho biết.
Một số ý kiến khác kêu gọi tẩy chay sản phẩm của công ty trên, góp phần vào làn sóng phản đối dữ dội.
“Tôi sẽ không mua bất cứ thứ gì của họ nữa” hay “Điều này thật vô nhân đạo, công ty nên phá sản” là những bình luận phổ biến về vụ việc.
Linh Vũ
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/nha-tu-van-phong-tai-trung-quoc-post1542618.html