Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố các mức thuế đối ứng với các đối tác, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế 46% có hiệu lực từ ngày 9-4. Đáng chú ý Việt Nam bất ngờ nằm trong nhóm chịu mức thuế suất cao ngất ngưởng. Quyết định này không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này đang "đứng ngồi không yên".
Dệt may sẽ lao đao, thủy sản khó trăm bề
Thông tin trên ngay lập tức khiến những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như điện tử, dệt may, giày dép và thủy sản chịu tác động. Trong đó, ngành dệt may và thủy sản đang cảm nhận rõ rệt từ quyết định này, bởi Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn của các sản phẩm này.
Hiện tại, các sản phẩm dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đang phải chịu mức thuế dao động từ 10% đến 32% tùy loại. Nếu mức thuế mới được áp dụng, chi phí nhập khẩu sẽ tăng vọt, làm suy yếu nghiêm trọng sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường Mỹ so với các đối thủ khác như Bangladesh, Indonesia hay Ấn Độ, vốn có mức thuế thấp hơn nhiều.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, không giấu được sự lo lắng: "Mức thuế này quá cao, vượt quá sức chịu đựng của hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Chúng tôi có nguy cơ mất thị trường Mỹ vào tay các đối thủ cạnh tranh. Đơn hàng chắc chắn sẽ giảm mạnh, kéo theo đó là doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều doanh nghiệp có thể phải đóng cửa, gây ra tình trạng thất nghiệp nhiều".
Các doanh nghiệp dệt may họp khẩn tìm phương án sản xuất, xuất khẩu trước ảnh hưởng mức thuế mới của Mỹ. Ảnh:QH
Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM đã nhanh chóng tổ chức họp khẩn cấp để lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp hội viên, bàn phương án ứng phó. "Trước mắt, các doanh nghiệp phải tính đến việc tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, và nâng cao chất lượng để giảm thiểu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, cần có sự can thiệp và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ", ông Hồng nhấn mạnh.
Tương tự, ngành thủy sản cũng đang "ngồi trên đống lửa". Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là tôm và cá tra. Mức thuế từ Mỹ với mức thuế cao nhất có thể lên đến 46% đồng nghĩa với việc cánh cửa xuất khẩu sang thị trường này gần như đóng sập với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước, bày tỏ sự thất vọng và lo lắng: "Thuế bán phá giá đã là gánh nặng lớn suốt nhiều năm qua, giờ nếu thêm mức thuế 46% này thì chúng tôi không thể cạnh tranh được".
Mức thuế mới của Mỹ nếu áp dụng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này không còn lợi nhuận, thua lỗ. Ảnh: QH
Ông Lĩnh phân tích cụ thể, với một kg tôm đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ có giá khoảng 10 USD, hiện tại chỉ chịu thuế chống trợ cấp 2,84%. Nếu áp thêm thuế nhập khẩu cơ bản 10%, tổng chi phí đã tăng lên đáng kể. Nhưng với mức thuế đối ứng 46%, mức thuế phải trả sẽ là 4,6 USD/kg, đẩy tổng chi phí xuất khẩu lên tới 14,6 USD.
"Với mức giá này, sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn không có cơ hội cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Lợi nhuận gần như bằng không, và việc duy trì xuất khẩu là không thể", ông Lĩnh chua xót nói.
Không chỉ lo lắng cho các đơn hàng tương lai, các doanh nghiệp thủy sản còn đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn từ những lô hàng đã chuẩn bị và đang trên đường sang Mỹ.
"Nếu cho hàng đi tiếp thì chi phí tăng khủng khiếp, có thể lỗ nặng. Còn nếu thu hồi thì cũng phải chịu tổn thất lớn về chi phí vận chuyển, bảo quản. Đây là một tình huống vô cùng khó khăn, chúng tôi đang rất cần sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ để giải quyết vấn đề này", ông Lĩnh kiến nghị.
Nông sản "nín thở" theo dõi
Trong khi dệt may và thủy sản đang "hồi hộp" , ngành nông sản Việt Nam cũng không khỏi lo lắng dù mức độ ảnh hưởng có thể không trực tiếp và gay gắt bằng. Các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn và khả năng chính sách này sẽ tạo ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến các mặt hàng nông sản khác trong tương lai.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, nhận định rằng xuất khẩu nông sản sang Mỹ không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng Mỹ vẫn là một thị trường quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản cụ thể của Việt Nam.
Trước áp lực thuế từ Mỹ, giải pháp đa dạng hóa thị trường được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tính toán. Ảnh: QH
"Nếu có thay đổi về chính sách hay thuế quan, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển hướng sang các thị trường khác", ông Nam trấn an. Ông lấy ví dụ, xuất khẩu cà phê sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu, nên việc tìm kiếm thị trường thay thế không quá khó khăn.
Tương tự, với các mặt hàng như hạt điều, hồ tiêu, Việt Nam có thể dựa vào lợi thế về chất lượng và nguồn cung để duy trì thị phần ở các thị trường khác.
Tìm hướng đi
Trước tình hình nóng bỏng, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước đang khẩn trương tìm kiếm giải pháp ứng phó. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách để giảm thiểu thiệt hại trước mắt mà còn là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược phát triển xuất khẩu một cách bền vững hơn.
Một trong những ưu tiên hàng đầu là tăng cường đối thoại và đàm phán với phía Mỹ để làm rõ vấn đề, phân tích tác động và tìm kiếm sự điều chỉnh phù hợp. Chính phủ cần chủ động cung cấp thông tin, số liệu chứng minh rằng hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là công bằng và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kịp thời đàm phán với Mỹ để bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: QH
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng việc xác định cụ thể nhóm hàng nào bị ảnh hưởng là rất quan trọng. "Mỹ là thị trường quan trọng, nhưng chúng ta cũng nhập khẩu nhiều rau quả từ nước này. Nếu Mỹ áp thuế lên hàng Việt Nam, chúng ta có thể cân nhắc các biện pháp đối ứng một cách hợp lý để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, nhưng cần tránh leo thang căng thẳng thương mại", ông nói.
Về phía doanh nghiệp, giải pháp ngắn hạn được nhiều người tính đến là chia sẻ một phần chi phí thuế với đối tác nhập khẩu, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường ngoài Mỹ như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... Đây là một giải pháp tình thế nhưng có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong ngắn hạn trước ảnh hưởng của thuế Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh thực chất, không chỉ dựa vào giá rẻ. Điều này bao gồm việc đầu tư vào công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Bên cạnh đó, việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng là những yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để đối phó với tác động tiêu cực từ thuế của Mỹ, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế, đồng thời tối ưu hóa các cơ hội từ dòng vốn FDI.
Chính phủ cũng cần đóng vai trò định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi này. Các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại cần được triển khai một cách hiệu quả và thiết thực. Đồng thời, cần rà soát và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến thương mại quốc tế, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cần giữ chân các doanh nghiệp FDI
TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho biết mức thuế của Mỹ nếu áp dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, không chỉ những doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp FDI. Khi thuế nhập khẩu tăng, lợi thế cạnh tranh giảm, buộc doanh nghiệp FDI phải điều chỉnh chiến lược đầu tư, tác động đến dòng vốn vào nông nghiệp, sản xuất và công nghiệp chế biến.
Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng mạnh, phản ánh niềm tin vững chắc của nhà đầu tư. Theo ông Nhân, Việt Nam cần tăng cường kiểm tra các dự án FDI để đảm bảo hiệu quả, đồng thời duy trì môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn nhằm thích ứng với chính sách thuế quan toàn cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
QUANG HUY