Công văn 3175 nhằm hạn chế văn mẫu nhưng vẫn có giáo viên dùng 'đề mẫu'

Công văn 3175 nhằm hạn chế văn mẫu nhưng vẫn có giáo viên dùng 'đề mẫu'
một ngày trướcBài gốc
Ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3175/BGĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, đến nay dù còn có những khó khăn nhất định nhưng đã từng bước có những thay đổi tích cực cho một bộ phận học sinh không lệ thuộc vào văn mẫu, vào những tài liệu có sẵn.
Những hướng dẫn trong Công văn 3175/BGĐT-GDTrH phù hợp với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra, từng bước hướng đến việc chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập.
Tuy nhiên, sự chuyển biến từ đội ngũ giáo viên chức thực sự đồng đều trong việc xây dựng đề kiểm tra môn Ngữ văn. Có những thầy cô rất chú trọng đầu tư xây dựng đề kiểm tra bằng ngữ liệu mới, cách đặt câu hỏi gợi mở nhằm phát huy tính sáng tạo của học trò nhưng cũng không hiếm tình trạng giáo viên thường sử dụng những đề kiểm tra đã có sẵn trên mạng internet hoặc xin của đồng nghiệp từ đơn vị khác.
Một số thầy cô thì sử dụng đề từ năm này sang năm khác. Thành ra, sự chuyển biến sau khi Bộ ban hành Công văn 3175/BGĐT-GDTrH vẫn còn những điều rất đáng băn khoăn.
Ảnh minh họa
Văn mẫu, đề mẫu vẫn song hành cùng nhau ở nhiều trường học
Tại Mục 2, Công văn số 3175/BGĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn ngữ văn ở trường phổ thông có một số đoạn trọng tâm như sau: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật”.
Trước đây, dư luận xã hội vẫn lên tiếng về tình trạng văn mẫu vì mỗi năm có khoảng hơn chục tác phẩm, đoạn trích trong sách giáo khoa được giáo viên ra đi, ra lại suốt mười mấy năm trời của chương trình 2006 nên có vô số bài mẫu, văn mẫu được đưa lên mạng internet hoặc được viết trong các tài liệu bán ở các nhà sách.
Khi chương trình 2018 được triển khai ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đến năm học 2024-2025 này đã thực hiện xong lộ trình cuốn chiếu.
Đặc biệt, ngày 21/7/2022, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGĐT-GDTrH hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết” nên mấy năm nay học sinh đã dần quen với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi làm bài kiểm tra môn Ngữ văn.
Song, có nhiều yếu tố như, chỉ tiêu điểm số; tình trạng dạy thêm, học thêm nên không ít trường vẫn chưa thực sự triển khai triệt để nội dung mà Công văn số 3175/BGĐT-GDTrH hướng dẫn.
Một số trường học vẫn giới hạn một số tác phẩm cho từng khối lớp cụ thể ở phần đọc hiểu, phần viết. Việc giới hạn này, vô tình những em học sinh đi học thêm đã được thầy cô hướng dẫn và làm trước. Hơn nữa, một số thầy cô đang dạy thêm cũng là người ra đề kiểm tra nên vẫn có tình trạng khi giáo viên phát đề thì học sinh vui mừng vì đã “trúng tủ”.
Ngoài ra, không hiếm giáo viên vẫn lấy đề sẵn trên mạng internet hoặc những đề kiểm tra trong các đợt tập huấn của huyện, của tỉnh mà các trường thực hiện, sau đó, hội đồng bộ môn tập hợp và gửi về cho các trường tham khảo.
Không hiếm “đề mẫu” vẫn tồn tại trong kiểm tra định kỳ ở một số trường học
Một tổ trường Ngữ văn cấp trung học cơ sở chia sẻ với người viết rằng, mỗi lần đến thời điểm kiểm tra định kỳ, vị này đều phải duyệt đề kiểm tra của giáo viên trong tổ. Một số giáo viên có chuyên môn tốt, tâm huyết thì gần như năm nào họ cũng đầu tư làm đề rất chỉn chu, duyệt rất nhanh.
Nhưng, trong tổ vẫn có những giáo viên yếu về chuyên môn. Thậm chí, có giáo viên…chưa biết làm đề kiểm tra nhưng không chịu học hỏi và lắng nghe từ phía đồng nghiệp góp ý. Những lần tập huấn đề kiểm tra thường xúm lại nói chuyện với nhau. Khi được phân công ra đề thì lấy đại 1 cái đề trên mạng internet về nộp cho tổ.
Trong khi, đề Văn cấp trung học cơ sở mỗi địa phương có những định hướng khác nhau, hình thức câu hỏi khác nhau nên giữa đề kiểm tra và các chỉ báo, ma trận không đồng nhất. Gặp những đề như vậy, tổ trưởng không dám duyệt và yêu cầu sửa lại. Dù đã chỉ ra lỗi của đề nhưng sửa vẫn chưa phù hợp. Trong khi, yêu cầu về thời gian nộp đề cho trường đã đến nên có những đề phải sửa thay cho giáo viên.
Có giáo viên lấy đề tập huấn của huyện, của tỉnh để nộp cho nhà trường; có giáo viên lấy đề cũ của năm trước nộp lại vì năm học này vẫn dạy khối học như năm trước…
Từ những chia sẻ trên cho thấy rằng tình trạng văn mẫu, bài mẫu vẫn chưa được khắc phục triệt để ở một số nhà trường.
Bởi lẽ, thời điểm ôn tập thì giáo viên bộ môn không chỉ ôn, hệ thống lại kiến thức mà sẽ cho học sinh làm một số đề đề để làm quen. Việc giáo viên lấy một số đề trong các đợt tập huấn, hoặc đề năm trước cho học sinh cho học sinh là hoàn toàn bình thường.
Nhưng, cái khác thường là khi vào kiểm tra chính thức thì những đề mà giáo viên bộ môn cho học sinh làm thử lại là đề kiểm tra chính thức. Vô tình, đề lộ từ khi chưa kiểm tra và văn mẫu đương nhiên vẫn tồn tại trong những trường hợp như thế này.
Chính vì vậy, muốn “khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn” thì việc đầu tiên giáo viên phải là những người tiên phong đi trước. Một số thầy cô vẫn thường dùng những đề có sẵn trên mạng internet; lấy đề từ các đợt tập huấn; lấy đề cũ, xin của đồng nghiệp ở đơn vị khác…cần thay đổi.
Những thầy cô này cần chủ động học hỏi, trau dồi chuyên môn, đặc biệt là trong những lần tập huấn về ma trận, xây dựng đề kiểm tra cần tập trung lắng nghe để tự mình ra được đề kiểm tra định kỳ hoàn chỉnh.
Thực tế cho thấy, hiện nay không có văn bản cụ thể nào cấm giáo viên lấy đề trên mạng internet lấy sử dụng lại đề cũ nhưng trong bối cảnh ngành giáo dục đang hướng đến việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò và khắc phục tình trạng văn mẫu thì giáo viên dạy Văn không thể đứng ngoài cuộc.
Làm một đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn đương nhiên sẽ mất nhiều công sức, tâm huyết nhưng đó là sản phẩm của mình và khi giáo viên nhắc học trò không dùng văn mẫu sẽ cảm thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, không hiếm thầy cô dạy học trò không dùng văn mẫu theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGĐT-GDTrH nhưng lại dùng đề mẫu, đề có sẵn cho học trò kiểm tra?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
NGUYỄN ĐĂNG
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/cong-van-3175-nham-han-che-van-mau-nhung-van-co-giao-vien-dung-de-mau-post250260.gd