Công việc chăm sóc không lương tạo gánh nặng với phụ nữ

Công việc chăm sóc không lương tạo gánh nặng với phụ nữ
7 giờ trướcBài gốc
Áp lực từ công việc chăm sóc không lương
Chiều 22/11/2024, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức Tọa đàm "Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ: Cân bằng giữa phát triển kinh doanh và công việc chăm sóc".
Đây là một hoạt động nằm trong Dự án "Tăng trưởng Doanh nghiệp của tôi: Nâng cao năng lực và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang tăng trưởng do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam". Dự án này được thực hiện bởi Trung tâm Phụ nữ và Phát triển với sự tài trợ của Quỹ Châu Á, sự phối hợp của các tổ chức tài chính vi mô nhằm nâng cao cơ hội kinh tế cho phụ nữ kinh doanh tại Việt Nam bằng cách cải thiện kỹ năng số và tài chính.
Tọa đàm không chỉ tập trung vào cách thúc đẩy phát triển kinh doanh mà còn đề cập đến những thách thức chính mà các công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) cản trở phụ nữ kinh doanh phát huy hết tiềm năng của mình.
Công việc chăm sóc không lương vẫn là gánh nặng lớn đối với phụ nữ Việt Nam
TS Trần Thị Thanh Loan – Viện nghiên cứu gia đình và giới cũng cho biết, công việc chăm sóc không lương gần như mặc nhiên được nhiều người Việt Nam coi đó là công việc của phụ nữ. Quan điểm ‘đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’ vẫn còn cố hữu. Định kiến giới này đã ảnh hưởng tới phụ nữ, nhất là phụ nữ kinh doanh.
Ngoài thời gian kinh doanh, phụ nữ kinh doanh vẫn phải đảm đương công việc chăm sóc gia đình không lương, từ đó dẫn tới những áp lực. Áp lực CSKL ảnh hưởng đến quyết định lực chọn phương thức, ngành hàng kinh doanh, đặc biệt là phụ nữ kinh doanh có con nhỏ. Ngoài khuyến khích nam giới tham gia công việc nhà cùng phụ nữ, rất cần áp dụng các kỹ năng số giúp người phụ nữ cân bằng công việc kinh doanh và công việc chăm sóc.
Nhiều người bán hàng online vẫn được xem là người nội trợ ở nhà; chỉ có người có cửa hàng, công ty mới được xem là có nghề và được giảm bớt thời gian làm việc.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Filip Graovac, Phó trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam cho biết, công việc chăm sóc không lương bao gồm chăm sóc con cái, người già và các công việc nội trợ vẫn là gánh nặng lớn đối với phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những người đang điều hành các doanh nghiệp nhỏ.
"Là nam giới, tôi thấy việc phân chia công việc trong gia đình là rất quan trọng. Đàn ông cần phải chia sẻ. Đây không chỉ là vấn đề công bằng mà còn là tính thực tiễn. Khi chúng ta cùng làm việc không chỉ thúc đẩy sự bình đẳng trong gia đình, mà còn giúp các đối tác của chúng ta phát triển trong cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân"- ông Filip Graovac khẳng định.
Kỹ năng số giúp phụ nữ cân bằng, tự tin hơn trong khởi nghiệp
Tại buổi tọa đàm, những phát hiện chính từ Nghiên cứu Ban đầu về ‘Vai trò của công nghệ số đối với công việc chăm sóc không lương của phụ nữ kinh doanh" đã được Quỹ Châu Á công bố qua phỏng vấn 664 phụ nữ.
Bà Trần Thị Thu Hà – Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, áp lực việc nhà là vấn đề lớn nhất với phụ nữ kinh doanh. Các giải pháp công nghệ số được ứng dụng ngày càng nhiều, tiếp sức cho các sáng kiến kinh doanh của phụ nữ, giảm áp lực việc CSKL cho phụ nữ kinh doanh.
Qua phỏng vấn là những nữ chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ… cho thấy trong đó, việc kinh doanh dựa trên Facebook chiếm tới 95%, Zalo chiếm 42%, Tiktok chiếm 46); 35% có trang cộng đồng, facebook KD cá nhân. Phần lớn phụ nữ chọn kinh doanh online để chủ động công việc và cuộc sống: "tự do", "làm chủ", "linh hoạt"…
Các diễn giả, đại biểu cùng thảo luận chủ đề "Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ: Cân bằng giữa phát triển kinh doanh và công việc chăm sóc". Ảnh PT
Các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy sự hài hòa giữa công việc kinh doanh và trách nhiệm gia đình của phụ nữ. Đặc biệt trao đổi về các tác động của kinh tế số, kỹ thuật số đối với việc cân bằng các trách nhiệm chăm sóc để có các giải pháp/khuyến nghị phù hợp, thúc đẩy bình đẳng giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Theo các chuyên gia, công nghệ số và các thiết bị điện tử gia dụng thông minh đã và đang góp phần giảm bớt thời gian làm việc nhà cho phụ nữ. Điều này cho phép phụ nữ phân công một số việc nhà cho các thành viên gia đình hoặc thuê dịch vụ thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên các thiết bị, ứng dụng nói trên vẫn chưa tác động đáng kể đến sự hoán đổi/ thay thế vai trò chăm sóc gia đình của phụ nữ kinh doanh. Điều này bị chi phối bởi các quan niệm về vai trò giới, điều kiện tài chính, khác biệt môi trường sống (nông thôn, miền núi, thành thị), năng lực số...
Bằng cách trang bị cho phụ nữ những kỹ năng số và quản lý tài chính mà họ cần, chúng ta không chỉ thúc đẩy sự phát triển của công việc kinh doanh của họ mà còn hỗ trợ một nền kinh tế bao trùm và công bằng hơn.
Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, phụ nữ chiếm một nửa dân số, phân nửa lực lượng lao động. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời họ cần được thụ hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại. Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả cho chuyển đổi số khi quá trình này có được quan điểm, kinh nghiệm của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội.
Tại tọa đàm, 30 phụ nữ là chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh và đã hoàn thành chương trình chương trình đào tạo của Dự án "Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi" đã được trao giải thưởng hỗ trợ phát triển kinh doanh. Bên cạnh việc hoàn thành chương trình đào tạo các chị đã áp dụng các kiến thức vào chính doanh nghiệp/mô hình kinh doanh của mình một cách hiệu quả, thiết thực và bền vững.
Dự án "Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi" được thực hiện trong 3 năm (2024-2026), với mục tiêu cung cấp kiến thức nền tảng về tài chính, kinh doanh và kỹ thuật số cho 25.000 nữ chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang phát triển của Việt Nam. Hết năm 2024, dự án đã đào tạo trực tuyến cho 6.660 phụ nữ. Mục tiêu năm 2025 là đào tạo kiến thức cho thêm 11.000 người.
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cong-viec-cham-soc-khong-luong-tao-ganh-nang-voi-phu-nu-172241122194821444.htm