Toàn cảnh hiện trường khai quật.
“Kho báu” ở Di chỉ Vườn Chuối
60 hố khai quật trên tổng diện tích 6.000m2 ở phía Tây Di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu khai quật từ tháng 3/2024 đến nay. Kết quả khai quật lần này đã phát hiện mặt bằng khu cư trú từ thời tiền Đông Sơn; phát hiện khu mộ táng quy mô lớn, có niên đại kéo dài hơn 2.000 năm từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn.
Nhiều bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn cùng những đồ gốm tùy táng ở ngay dưới chân di cốt đã hé lộ nhiều thông tin cho các nhà khảo cổ, đặc biệt là tục nhổ răng cửa và đeo vòng đá lên tới tận khuỷu tay. PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, ông đã làm khảo cổ 60 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy một khu di chỉ mà có nhiều mộ táng đến như vậy, đặc biệt là một số tập tục lần đầu tiên thấy ở Việt Nam. Một số bộ di cốt, các nhà khảo cổ đều thấy bị mất răng cửa số 2 và số 4, một số bộ hài cốt nhổ toàn bộ răng cửa. Cách họ đeo vòng cũng vậy, rất lạ và độc đáo.
“Tục nhổ răng cửa ở cả hàm trên và hàm dưới là ở thời kỳ Phùng Nguyên muộn và Đồng Đậu sớm. Vì vậy, chúng ta có thể so sánh với các di cốt ở Xóm Dền, Mán Bạc đều là những di cốt tương đương niên đại, tức là khoảng 3.500 năm cách ngày nay” - GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.
Đặc biệt, trong các di vật khảo cổ lần này, cùng với vũ khí, công cụ lao động và rất nhiều đồ trang sức... thì dấu vết của kiến trúc nhà, nơi cư trú của người Việt cổ thời kỳ tiền Đông Sơn cũng được hé lộ. Đây là những phát hiện quan trọng trong việc nghiên cứu thời đại kim khí ở khu vực miền Bắc. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, các nhà nghiên cứu đã dựng lại được cấu trúc của 2 kiến trúc nhà dài với nhiều đặc điểm giống như nhà dài của đồng bào Tây Nguyên hiện nay.
Vườn Chuối được khai quật tính đến nay đã 10 lần. Đợt khai quật này là lần đầu tiên các nhà khoa học thấy rõ diện mạo của một ngôi làng qua các thời kỳ tiền sử, bước đầu nhận diện cách thức tạo dựng nền nhà, móng cột và việc người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài, cho thấy tầm quan trọng của Di chỉ có nhiều tầng văn hóa sát ngay Hà Nội, trong một khu vực bị đô thị hóa rất nhanh. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, việc nghiên cứu hậu khai quật rất quan trọng.
“Không phải chúng ta khai quật khi thấy hiện vật là xong. Sắp tới phải có những động thái về mặt pháp lý cũng như sự chung tay của cộng đồng và các nhà khoa học để có thể giữ lại Di chỉ khảo cổ học này. Khai quật, phát triển khảo cổ học bền vững, dành tài nguyên cho thế hệ mai sau” - bà Dung nhấn mạnh.
Những di vật đồ gốm tìm được từ khai quật Di chỉ Vườn Chuối.
Cần phương án hài hòa
Những ý kiến tâm huyết của GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung về tầm quan trọng của Di chỉ Vườn Chuối, về giải pháp bảo tồn cũng là trăn trở của nhiều chuyên gia, nhà khảo cổ học, bởi lần đầu tiên và cũng lâu lắm rồi chúng ta mới có một địa điểm khai quật trên diện tích rất rộng 6.000m2 để nhận diện được một khu vực làng cổ có quá trình chiếm cư trên 3.000 năm, nằm ngay sát Hà Nội.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, từ những kết quả khai quật có thể khẳng định đây là một hệ thống di tích, di vật vô cùng đặc biệt, đa dạng về loại hình, đa dạng về chất liệu với nhiều tầng văn hóa. Xưa nay chúng ta vẫn nói Hà Nội là dòng chảy văn hóa, văn hiến nghìn năm nhưng nhìn từ Di chỉ Vườn Chuối và các hệ thống di tích khác thì phải nói là nhiều nghìn năm.
“Giá trị khoa học và và tự hào văn hóa lịch sử đối với Di chỉ Vườn Chuối nói riêng và Hà Nội nói chung rất là lớn. Hà Nội có bao nhiêu di tích mang tính phức hợp như Di chỉ Vườn Chuối? Sự phức hợp từ di chỉ cư trú, làng xóm, công xưởng thậm chí cả nghĩa địa. Chính vì vậy, tôi cho rằng, việc khai quật đã làm rõ giá trị rồi, bây giờ quan trọng là phương án giải quyết. Cần có một giải pháp đồng bộ liên quan đến di tích này. Một phương án ứng xử hài hòa trong không gian phát triển và không gian bảo tồn” - ông Tuấn nói.
Ý kiến của một số chuyên gia cũng cho rằng, Di chỉ Vườn Chuối nên trở thành một công viên văn hóa. Trong đó sẽ có các workshop (lớp học tương tác) để sau này các sinh viên chuyên ngành có thể đến đây tìm hiểu, nghiên cứu.
“6.000m2 ở phía Đông nên là công viên văn hóa lịch sử” - một số chuyên gia khẳng định như vậy sau khi đón nhận kết quả khai quật lần này và cho rằng, khi trở thành công viên di sản thì các chuyên gia khảo cổ học sẽ tính toán các phương án, có những cái cần phải xử lý hoàn táng, nhưng cũng có những cái phải giữ lại trưng bày, để các hiện vật có thể kể lại những câu chuyện lịch sử cho công chúng. Đây cũng chính là cách để chúng ta tôn vinh các di sản quý báu của cha ông cho thế hệ mai sau.
Nói như GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, di sản khảo cổ học chính là một phần lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong bối cảnh hội nhâp quốc tế, nhiều sinh hoạt văn hóa đương đại có xu hướng hòa chung vào một dòng chảy gọi là văn hóa thế giới, thì chính những di sản khảo cổ sẽ là chứng cứ vật chất rõ ràng nhất về lịch sử phát triển của dân tộc trong lịch sử phát triển của nhân loại, là những thứ phản ánh rõ ràng nhất bản sắc dân tộc.
Khu Di chỉ Vườn Chuối từng được khai quật vào năm 1969, trải qua nhiều lần khai quật tiếp theo, đến năm 2021 đã được khoanh vùng bảo vệ, và đợt khai quật này là đợt khai quật lớn nhất, khẳng định giá trị đặc biệt quý hiếm của di chỉ này bởi nó mang trong mình rất nhiều những câu chuyện trải dài theo cả nghìn năm dựng nước, xuyên qua 4 nền văn hóa lớn là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Hiện ngoài Vườn Chuối, cả nước chỉ còn di tích Đồng Đậu ở Phú Thọ còn lưu lại dấu tích của thời sơ sử này.
Việt Hà