Trong một năm chứng kiến hàng triệu người phải hứng chịu thảm họa thời tiết khắc nghiệt, hội nghị thượng đỉnh thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra ở Azerbaijan, một quốc gia dầu mỏ không mấy quan tâm đến việc dừng khai thác nhiên liệu hóa thạch gây hại cho khí hậu.
“Là người đứng đầu một quốc gia giàu nhiên liệu hóa thạch, tất nhiên, chúng tôi sẽ bảo vệ quyền tiếp tục đầu tư và sản xuất nhiên liệu hóa thạch”, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev phát biểu hồi tháng 4 tại một cuộc họp chuẩn bị cho COP29.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra ở Azerbaijan từ ngày 11/11.
Tuyên bố của Tổng thống Ilham Aliyev ám chỉ chương trình nghị sự mà quốc gia này có thể đưa ra khi tổ chức hội nghị tại thủ đô Baku, nơi các nhà lập pháp từ gần 200 quốc gia đến để đàm phán về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nước phát triển nên giúp các nước đang phát triển như thế nào?
Bên cạnh việc cắt giảm mạnh khí thải, các quốc gia còn phải đối mặt với một thách thức đàm phán lớn khác, đó là thống nhất về mức hỗ trợ tài chính mà các nước đang phát triển cần nhận được để ứng phó với hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu và quá trình phi carbon hóa nền kinh tế.
Các quốc gia giàu có như Mỹ và Nhật Bản, cũng như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) trước đây đã cam kết huy động 100 tỷ USD/năm bắt đầu từ năm 2020, để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển. Mãi đến năm 2022, mục tiêu này mới đạt được lần đầu tiên. Nhưng, cho đến nay, một phần đáng kể nguồn tài trợ này đến từ các khoản vay lãi suất cao, dẫn đến những chỉ trích gay gắt và cáo buộc về vi phạm lời hứa.
Ông Niklas Hohne, một chuyên gia về chính sách khí hậu của Viện Khí hậu Mới, một tổ chức phi chính phủ của Đức, cho rằng các quốc gia có thể thống nhất con số tài trợ từ 200 tỷ đến 700 tỷ USD tại Azerbaijan. Ông nói: “Đó sẽ là một thỏa thuận tài chính công bằng giữa các quốc gia giàu có chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu và các quốc gia nghèo hơn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu”.
Các quốc gia đang phát triển, bao gồm Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi, đã nhiều lần kêu gọi tài trợ hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD, tức là gấp 10 lần mức cam kết hiện tại. Các quốc gia công nghiệp đã bác bỏ con số này và cho rằng nó không thực tế và muốn Trung Quốc cùng các quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ chia sẻ gánh nặng tài chính.
Tranh cãi về việc ai sẽ trả tiền
Trong các tài liệu chính thức, Trung Quốc được công nhận là một quốc gia đang phát triển, nghĩa là về mặt lý thuyết, nước này là quốc gia nhận tài trợ khí hậu cùng với các quốc gia nghèo hơn hầu như không đóng góp gì vào cuộc khủng hoảng khí hậu.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi tổ chức COP28 (năm 2023), cũng chính thức được coi là một quốc gia đang phát triển. Các nhà quan sát coi cam kết năm 2023 của quốc gia dầu mỏ này về việc cung cấp tài trợ khí hậu cho các quốc gia nghèo hơn là một tia hy vọng rằng các quốc gia đang phát triển giàu có hơn có thể sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm tài chính.
Trong hội nghị thượng đỉnh ở UAE, cộng đồng toàn cầu lần đầu tiên đồng ý giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng khí hậu bằng cách “chuyển đổi dần” khỏi nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng.
Tuy nhiên, Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên. Các chính sách hiện tại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Không có biện pháp nào khác ngoài giảm phát thải
Nhà phân tích cấp cao về chính sách khí hậu Mỹ và quốc tế, Alden Meyer, thuộc nhóm nghiên cứu về khí hậu có trụ sở tại châu Âu (E3G) cho biết EU hiện đang thúc đẩy tăng nguồn tài trợ cho các nước đang phát triển để kết nối với nhiều biện pháp bảo vệ khí hậu hơn. Trong khi đó, UAE, Azerbaijan và Brazil (nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào năm tới) lại đều có kế hoạch mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Có thể thấy xu hướng tương tự ở Mỹ, Canada, Na Uy, Australia và Anh.
Hàng triệu người đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan trong năm nay.
Chuyên gia Meyer hy vọng rằng, chương trình nghị sự COP sẽ bao gồm lời kêu gọi các quốc gia công nghiệp tăng gấp đôi nguồn tài trợ cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Các biện pháp thích ứng có thể bao gồm hệ thống cảnh báo sớm về bão hoặc lũ lụt, bảo vệ bờ biển, không gian xanh để chống nóng ở các thành phố hoặc cải thiện khả năng bảo vệ cho các nhà máy điện ở các khu vực có bão hoặc lũ lụt. Một khoản tăng thêm khoảng 40 tỷ USD/năm đang được đưa ra thảo luận.
Các cuộc đàm phán cũng sẽ xoay quanh việc xây dựng và triển khai thêm quỹ mất mát và thiệt hại mới, nhằm tăng nguồn tài trợ từ cam kết ban đầu là khoảng 800 triệu USD.
Theo Quỹ Heinrich Boll, năm 2023, chỉ riêng 9 thảm họa khí hậu tồi tệ nhất ở các nước đang phát triển đã gây thiệt hại khoảng 37 tỷ USD. Theo các nhà quan sát, cuộc tranh luận về việc Trung Quốc hay các quốc gia dầu mỏ giàu có nên tham gia vào quỹ thiệt hại và mất mát sẽ thu hút sự chú ý tại COP năm nay.
Cuộc chiến tiền bạc trong hội nghị năm nay đang trở nên gay cấn hơn do tình hình bất ổn kinh tế và cuộc xung đột Nga-Ukraine, dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu quân sự toàn cầu.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ tác động đến các cuộc đàm phán và gây lo ngại cho những người ủng hộ hành động vì khí hậu.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã tỏ ra nghi ngờ về khoa học khí hậu, bãi bỏ một số luật về môi trường và rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong chiến dịch tranh cử gần đây, ông đã nói rõ rằng nếu được bầu lại nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ vẫn là một tổng thống phản đối hành động vì khí hậu, trong khi việc khai thác than, dầu và khí đốt sẽ là ưu tiên hàng đầu dưới sự lãnh đạo của ông.
Nếu thế giới muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C theo thỏa thuận Paris thì lượng khí thải toàn cầu phải đạt đỉnh trước năm 2025. Theo các nhà phân tích, mục tiêu này vẫn có thể đạt được.
Thế Nam (Trang mạng dw.com)