Theo kế hoạch của UBND tỉnh, lễ khánh thành diễn ra tại khu vực sân Nhà chờ lên mốc biên giới. Sau nghi thức cắt băng khánh thành đại biểu sẽ di chuyển đến sân Cột cờ A Pa Chải, tại độ cao 1.432m so với mực nước biển để tham dự Lễ Thượng cờ, gồm nghi thức chào cờ và hoạt động trồng cây lưu niệm.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc A Pa Chải. Ảnh: Nguyễn Hiền
Để chuẩn bị chu đáo cho sự kiện quan trọng này, UBND tỉnh giao: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì tổ chức, xây dựng kịch bản chương trình, tổ chức luyện tập (thời gian luyện tập từ ngày 25 - 29/4; sơ duyệt ngày 5/5; tổng duyệt ngày 6/5; chính thức ngày 7/5), chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh khu vực lễ và điều phối các hoạt động lễ tân, đón tiếp… tại Đồn Biên phòng A Pa Chải.
Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trước, trong và sau buổi lễ. Sở Y tế chuẩn bị đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị, thuốc men, và phương án ứng phó y tế, bảo đảm an toàn thực phẩm trong suốt sự kiện. Sở Nông nghiệp và Môi trường chuẩn bị cây trồng, vị trí trồng và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây lưu niệm...
UBND huyện Mường Nhé chịu trách nhiệm phối hợp toàn diện, chuẩn bị nơi ăn nghỉ, đón tiếp đại biểu, vệ sinh môi trường, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương tham gia, hỗ trợ lễ tân và đảm bảo các điều kiện hậu cần. Cơ quan báo chí, truyền thông tỉnh và Trung ương tuyên truyền sâu rộng trước, trong và sau buổi lễ, nhằm lan tỏa tinh thần yêu nước và quảng bá hình ảnh vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Cột cờ A Pa Chải là biểu tượng chủ quyền thiêng liêng, đồng thời là điểm nhấn du lịch văn hóa, lịch sử, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, và ý thức trách nhiệm của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia.
Phạm Dương (b/s)