CSGT lập chốt thổi cồn xuyên trưa, nhiều 'ma men' phân bua tiệc tất niên quá chén

CSGT lập chốt thổi cồn xuyên trưa, nhiều 'ma men' phân bua tiệc tất niên quá chén
3 giờ trướcBài gốc
Thiếu tá Mai Xuân Tứ, tổ trưởng tổ công tác cho biết, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về giao thông sẽ được lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc với tinh thần "thượng tôn pháp luật", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Tổ công tác của Đội CSGT số 2 cắm chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám.
Công tác xử lý đối với hành vi vi phạm này thời gian qua được lực lượng CSGT toàn quốc làm mạnh, làm rát nên đã mang lại được hiệu quả tích cực, thay đổi được ý thức của hầu hết người dân trong việc đã sử dụng bia rượu thì không điều khiển phương tiện ra đường. Tuy nhiên, ý thức của người dân thay đổi không đồng nghĩa với việc vi phạm nồng độ cồn đã chấm dứt mà thực tế vẫn tồn tại một bộ phận nhỏ cố tình vi phạm, đặc biệt là thời điểm cuối năm.
Ghi nhận của PV Báo CAND, trong hơn 3 giờ đồng hồ làm nhiệm vụ, tổ công tác của Đội CSGT số 2 đã kiểm tra hơn 400 lượt phương tiện, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm với nồng độ cồn ở mức 1 và 2.
Cán bộ CSGT với thiết bị kiểm tra nồng độ cồn.
Tất cả các trường hợp vi phạm đều là tài xế xe máy, trong đó có một trường hợp đi xe đạp điện.
Gần 14h chiều, ông Phùng Anh T. (SN 1963) thong dong điều khiển xe đạp điện để trở về nhà sau cuộc liên hoan tất niên cùng bạn bè. Ông T. vốn tưởng rằng hành trình của mình sẽ rất dễ dàng nhưng tâm trạng bắt đầu lo lắng khi bị lực lượng CSGT làm nhiệm vụ dừng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn và cho kết quả vi phạm ở mức 0,159 mg/L khí thở. Tiếng thở dài kèm theo gương mặt buồn bã của người đàn ông khi cán bộ CSGT lập biên bản xử phạt.
CSGT niêm phong, tạm giữ phương tiện của ông T. sau khi vi phạm nồng độ cồn.
Tương tự là trường hợp của ông Trịnh Hữu Gi. (SN 1962) bị tổ công tác CSGT phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 (dưới 0,25 mg/L khí thở) cũng trình bày lý do vừa dự buổi tất niên ở nhà người thân, do uống ít, chỉ độ 3 chén nên chủ quan vẫn tự điều khiển xe máy để về nhà. Sau khi được hướng dẫn từ Cảnh sát về cách thức, thời gian, địa điểm nộp phạt, ông Gi. đành bắt xe về nhà trong buồn bã.
Cán bộ CSGT lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong 10 ngày đầu năm 2025, lực lượng CSGT Thủ đô đã xử lý 8.435 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có 1.826 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn: Chưa vượt quá 0,25 mg/L khí thở bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng và trừ 4 điểm GPLX; vượt quá 0,25 đến 0,4 mg/L khí thở bị phạt 6 - 8 triệu đồng, vượt quá 0,4 mg/L khí thở bị phạt 8 - 10 triệu (cả 2 mức vi phạm này đều bị trừ 10 điểm GPLX).
Trong khi đó, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 mg/L khí thở bị phạt 6 - 8 triệu, trừ 4 điểm GPLX. Đáng chú ý, mức phạt tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,25 đến 0,4 mg/L khí thở hoặc vượt quá 0,4 mg/L khí thở bị phạt rất nặng (lần lượt là 18 - 20 triệu và 30 - 40 triệu đồng, cả 2 mức cũng bị trừ 10 điểm GPLX).
Tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn (dù điều khiển ô tô hay xe máy) đều bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Mỗi người dân cần tự giác chấp hành luật giao thông, bởi chỉ một lần chủ quan sau chén rượu, ly bia có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Luôn ghi nhớ: “Đã uống rượu bia, tuyệt đối không lái xe,” để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Trường Thắng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/xa-hoi/csgt-lap-chot-thoi-con-xuyen-trua-nhieu-ma-men-phan-bua-tiec-tat-nien-qua-chen--i756327/