CTCK của Momo lỗ quý 12 liên tiếp, lũy kế gần 135 tỷ đồng

CTCK của Momo lỗ quý 12 liên tiếp, lũy kế gần 135 tỷ đồng
15 giờ trướcBài gốc
CTCP Chứng khoán CV (CVS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với kết quả tiếp tục ghi nhận lỗ, bất chấp doanh thu tăng mạnh nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc. Đây đã là quý thứ 12 liên tiếp công ty báo lỗ, kéo dài từ năm 2021 đến nay.
Trong quý 2/2025, doanh thu hoạt động của CVS đạt hơn 5,6 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chủ yếu đến từ hai mảng: môi giới chứng khoán và cho vay ký quỹ – tăng lần lượt 1.147,9% và 1.728,8% so với cùng kỳ, nhờ sự phục hồi của thị trường. Ngoài ra, doanh thu hoạt động lưu ký chứng khoán và doanh thu từ hoạt đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng tăng cao.
Tuy nhiên, song song với đà tăng của doanh thu, tổng chi phí hoạt động cũng gia tăng đáng kể, đạt 12,42 tỷ đồng – tăng 25,5% so với cùng kỳ, và vượt xa doanh thu. Trong đó, chi phí hoạt động kinh doanh ghi nhận mức tăng mạnh nhất, đạt 8,3 tỷ đồng (tăng 40%), chiếm gần 68% tổng chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 3,1%, đạt khoảng 4 tỷ đồng.
Kết quả, CVS tiếp tục ghi nhận khoản lỗ ròng 6,75 tỷ đồng trong quý 2, mặc dù mức lỗ có thu hẹp so với khoản lỗ 7,56 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, công ty lỗ tổng cộng 13,1 tỷ đồng, gần tương đương cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tình hình tài chính chưa có cải thiện rõ rệt.
Năm 2025, CVS đặt mục tiêu doanh thu khoảng 55 tỷ đồng – cao gấp gần 5 lần so với thực hiện năm 2024. Đồng thời, công ty cũng dự kiến lỗ sau thuế 34,7 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 27 tỷ đồng năm 2024.
Sau nửa đầu năm, CVS mới hoàn thành khoảng 10,3% kế hoạch doanh thu, nhưng đã "tiêu" đến gần 38% kế hoạch lỗ cả năm. Diễn biến này phản ánh áp lực lớn về chi phí và khả năng kiểm soát hiệu quả hoạt động vẫn còn hạn chế.
Ảnh minh họa
Báo cáo tài chính cũng cho thấy nguồn thu của CVS vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), phần lớn là tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng tài sản của công ty đạt 326,5 tỷ đồng, trong đó 230 tỷ đồng – tương đương 70% tổng tài sản – là đầu tư vào HTM. Bên cạnh đó, gần như toàn bộ khoản tiền và tương đương tiền (46 tỷ đồng) cũng được gửi ngắn hạn tại ngân hàng.
Trong khi đó, mảng kinh doanh cốt lõi là môi giới chứng khoán lại đang là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ kéo dài. Riêng trong quý 2/2025, doanh thu từ môi giới chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, trong khi chi phí cho hoạt động này lên tới 8,3 tỷ đồng. Tính ra, mỗi 10 đồng chi cho hoạt động môi giới chỉ thu về được 1 đồng doanh thu – mức hiệu quả rất thấp và kéo dài qua nhiều quý.
Nguyên nhân khiến chi phí môi giới tăng cao là do CVS sử dụng dịch vụ mua ngoài. Trong nửa đầu năm 2025, công ty đã chi hơn 12 tỷ đồng cho dịch vụ thuê ngoài trong hoạt động môi giới – tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, năm 2024, chi phí mua ngoài cũng chiếm tới 71% trong tổng chi phí môi giới gần 24,4 tỷ đồng.
Ngoài chi phí môi giới, một khoản chi đáng chú ý khác là chi phí dịch vụ phát triển phần mềm từ công ty mẹ M_Service – đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo và hiện đang nắm giữ 49% cổ phần CVS. Năm 2024, chi phí này là 14,3 tỷ đồng; còn trong 6 tháng đầu năm nay, CVS ghi nhận thêm 9,8 tỷ đồng.
Từ giữa năm 2022, sau khi M_Service mua lại 49% cổ phần từ hai cổ đông sáng lập, CVS đã chuyển hướng hoạt động, tập trung vào việc cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán tích hợp trên nền tảng ví điện tử MoMo. Tuy nhiên, kể từ khi M_Service trở thành cổ đông lớn nhất, công ty vẫn chưa ghi nhận quý nào có lãi.
Trên bảng cân đối kế toán, lỗ lũy kế của CVS tính đến ngày 30/6/2025 là 134,7 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu đạt 456,7 tỷ đồng. Cần lưu ý rằng từ khi thành lập vào năm 2009 (với tên gọi ban đầu là Chứng khoán Hồng Bàng), CVS chỉ ghi nhận duy nhất một năm có lãi là năm 2021 – với lợi nhuận sau thuế khiêm tốn chỉ 164 triệu đồng.
Kết quả tài chính quý 2/2025 tiếp tục phản ánh mô hình kinh doanh chưa hiệu quả và cấu trúc chi phí thiếu hợp lý của CVS, đặc biệt trong bối cảnh công ty vẫn đặt kỳ vọng lớn vào việc tích hợp các sản phẩm đầu tư trên nền tảng fintech. Việc phụ thuộc quá lớn vào dịch vụ thuê ngoài và chưa có chiến lược tối ưu hóa hoạt động môi giới khiến khả năng cải thiện lợi nhuận trong ngắn hạn của CVS còn gặp nhiều thách thức.
Lê Vy
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/ctck-cua-momo-lo-quy-12-lien-tiep-luy-ke-gan-135-ty-dong-post1555375.html