Người dân Greenland có thực sự trở thành công dân Mỹ?
Theo Politico, chính phủ Mỹ đã mua lại một số hòn đảo từng là thuộc địa của Đan Mạch tại vùng Caribe như St. Croix, St. Thomas và St. John. Những hòn đảo này hiện nằm trong "Quần đảo Virgin thuộc Mỹ", và việc những cư dân tại đây có được coi là người Mỹ hay không vẫn đang gây tranh cãi.
Về cơ bản, cư dân của Quần đảo Virgin được coi là công dân Mỹ trên danh nghĩa. Tuy vậy, họ không thể tham gia bỏ phiếu để bầu chính quyền liên bang, và họ cũng không thể tự do tới các bang của Mỹ để sinh sống.
Giới quan sát nhận định, dù có diện tích lớn nhưng Greenland khó có thể trở thành một bang của Mỹ. Vì vậy, khả năng cao 50.000 dân của Greenland sẽ ở chung hoàn cảnh với người dân ở Quần đảo Virgin nếu Mỹ thành công mua lại hòn đảo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm mua lại đảo Greenland. Ảnh: NDTV
Những kịch bản để Greenland có thể trở thành một phần của Mỹ
Theo truyền thông Mỹ, kịch bản khả thi nhất để Greenland trở thành một phần của nước này bắt đầu từ việc hòn đảo tuyên bố ly khai khỏi Đan Mạch. Tiếp theo, Greenland sẽ thành lập một quốc gia độc lập, sau đó tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Mỹ.
Dù đang kiểm soát Greenland, nhưng Đan Mạch không có lý do chính đáng để ngăn cản hòn đảo tuyên bố độc lập. Những gì xảy ra tiếp theo cũng không nằm trong tầm kiểm soát của Copenhagen nữa.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có khoảng 57,3% người dân ở Greenland ủng hộ việc gia nhập Mỹ, 37,4% phản đối, và 5,3% chưa đưa ra quyết định.
Mỹ từng nhiều lần muốn mua lại Greenland
Dù tuyên bố của ông Trump khiến dư luận xôn xao, nhưng đây không phải là lần đầu tiên một vị Tổng thống Mỹ thể hiện quyết tâm muốn kiểm soát Greenland.
Vào năm 1867, sau khi thu mua Alaska từ Nga, Ngoại trưởng Mỹ khi đó William H Seward đã dẫn đầu các cuộc đàm phán để mua lại Greenland từ Đan Mạch, nhưng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Đến năm 1946, Mỹ đã đề nghị trả 100 triệu USD (tương đương 1,2 tỷ USD ngày nay) để có quyền sở hữu vùng lãnh thổ này, nhưng chính phủ Đan Mạch vẫn từ chối.
Ông Trump cũng đã cố gắng mua lại Greenland trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình. Song, cả Chính phủ Đan Mạch và chính quyền Greenland đều từ chối đề xuất năm 2019, khẳng định hòn đảo "không phải để bán".
Việt Dũng