Cô, trò Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (Xuân Mai, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ
Tuy nhiên, cơ hội gắn liền với trách nhiệm, từ cấp chính quyền địa phương đến mỗi nhà trường, giáo viên đều phải chuyển mình để bắt kịp xu thế và yêu cầu trong tình hình mới.
Cơ hội đầu tư trọng điểm
Trường Mầm non Thái Phương (Tiên La, Hưng Yên) vừa được tiếp nhận từ chính quyền địa phương hệ thống cơ sở vật chất mới gồm 18 phòng học, 8 phòng chức năng, một khu bếp ăn để phục vụ cho khoảng 450 trẻ theo học trong năm học 2025 - 2026, đảm bảo đủ diện tích theo yêu cầu của trường chuẩn. Tỷ lệ huy động trẻ 4 - 5 tuổi ra lớp đạt gần 100%, với trẻ nhà trẻ chiếm hơn 60%.
Bà Nguyễn Thị Điều - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Phương cho hay, hiện nay khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, UBND xã là cơ quan thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước của cấp huyện trước đây, trong đó có công tác phát triển giáo dục ở địa phương.
“Dù mới đi vào hoạt động, lãnh đạo thường vụ Đảng ủy, UBND xã Tiên La rất quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục của địa phương sau sắp xếp. Chủ tịch UBND xã sau kiện toàn trước đây là Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình cũ) nên có nhiều thuận lợi trong chỉ đạo, hỗ trợ các nhà trường về chiến lược cũng như công tác quản lý”, bà Nguyễn Thị Điều thông tin.
Sau khi sáp nhập, trên địa bàn xã Thông Thụ, Nghệ An có 3 trường tiểu học, 2 trường THCS và 2 trường mầm non. Trường Tiểu học Thông Thụ 1 năm học tới có khoảng 14 lớp, với khoảng 220 học sinh. Các em đều thuộc con em đồng bào dân tộc thiểu số các bản vùng tái định cư thủy điện Hủa Na như: Mường Piệt, Mường Phú, Cà Na, Phú Lâm…
Hiện nay, trường có 2 điểm lẻ, trong đó, điểm lẻ ở bản Mường Piệt hàng năm có số lượng học sinh nhiều hơn trường chính ở bản Lốc. Từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã huy động học sinh các bản lẻ đến trường chính học, theo hình thức bán trú dân nuôi.
Ông Tăng Xuân Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, do cơ sở vật chất của trường đang dàn trải, manh mún, chưa có nhà ở bán trú, bếp ăn cho học sinh nên không đảm bảo điều kiện đưa các em vào ở trong trường. Thay vào đó, học sinh ở trọ, hoặc ở nhờ nhà người thân quanh trường, các thầy, cô giáo sẽ thường xuyên đến thăm hỏi về điều kiện sinh hoạt, kiểm tra tình hình học tập.
Riêng điểm lẻ ở bản Mường Piệt giữ nguyên quy mô 5 lớp, chưa huy động ra trường chính vì cách xa hơn 10km, độ tuổi tiểu học còn quá nhỏ. Bên cạnh đó, điểm trường này cơ sở vật chất cũng khang trang, đầy đủ với 10 phòng học và phòng chức năng.
Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và mở rộng xã sau khi sáp nhập, ông Tăng Xuân Sơn cho hay nhà trường đang xây dựng kế hoạch thành lập Trường PTDTBT Tiểu học Thông Thụ, trên cơ sở sáp nhập 2 trường Tiểu học Thông Thụ 1 và 2. Đồng thời tham mưu chính quyền địa phương tập trung đầu tư cơ sở vật chất tại trường chính để đảm bảo đủ phòng học, phòng ở bán trú, bếp ăn cho học sinh.
“Trong thời gian này, hai trường sẽ cùng ngồi lại để xây dựng đề án, lộ trình thực hiện, trong đó dự báo quy mô học sinh, khảo sát và đề xuất địa điểm đặt trường chính sau khi sáp nhập, dự toán kinh phí…
Sau đó mới tham mưu UBND xã trình HĐND phê duyệt. Là địa bàn vùng sâu, xa, biên giới, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, nên phương án về nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho trường học dự kiến đề xuất lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Tăng Xuân Sơn cho hay.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thông Thụ 1, việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó chính quyền cấp xã trực tiếp quản lý các trường học từ mầm non đến THCS sẽ tạo điều kiện thuận lợi.
Các kế hoạch phát triển giáo dục của trường học được trực tiếp đề xuất, tham mưu lên cấp xã quyết định, mà không cần qua cấp trung gian nào khác. Chính quyền địa phương cũng sâu sát, nắm rõ thực tế các nhà trường, đặc điểm học sinh, đặc thù dân cư, để đưa ra quyết sách phù hợp.
Hoạt động trải nghiệm của trẻ Trường Mầm non Tân Phong (Tân Hưng, TPHCM). Ảnh: MA
Bảo đảm công bằng giáo dục
Theo bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hồng Hà, Hà Nội), thực hiện chính quyền địa phương hai cấp là thay đổi lớn, nhưng nếu triển khai bài bản, đây sẽ là cú hích tích cực cho giáo dục. Đặc biệt ở các trường THCS, tiểu học và mầm non vì trực thuộc quản lý của UBND xã/phường.
Sau sáp nhập, trường học không còn dàn trải manh mún mà được đầu tư đồng bộ hơn về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ. Học sinh những vùng khó khăn cũng được học tập trong điều kiện tốt hơn, có sân chơi, thư viện, phòng học chức năng - những điều trước đây là mơ ước.
Chính quyền địa phương giờ đây sát trường hơn, hiểu đời sống học sinh, giáo viên rõ hơn nên những hỗ trợ từ bữa ăn bán trú, học bổng, đến hoạt động trải nghiệm đều thực chất và kịp thời. Tất nhiên, khi bộ máy tinh gọn, nhà trường phải chủ động hơn nhiều trong các hoạt động.
“Điều đó giúp chúng tôi đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm và làm giáo dục thực chất, lấy học sinh làm trung tâm. Tôi tin tưởng, nếu được tiếp sức đúng cách, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng trong giáo dục, để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương bày tỏ.
Từ góc nhìn cơ sở, bà Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (Xuân Mai, Hà Nội) cho rằng, cú hích này khá mạnh và tạo ra bước chuyển mình trong giáo dục do có sự chỉ đạo sát thực tế, mọi khó khăn của từng trường về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài chính, đặc thù… sẽ được quan tâm và tạo thế công bằng trong tiếp cận, đổi mới.
Theo bà Hoa, thông qua điều tiết nguồn lực và đầu tư có trọng điểm, chính quyền 2 cấp có thể góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các khu vực, đặc biệt là thành thị với nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho những mô hình sáng kiến, phương pháp dạy học sáng tạo được áp dụng. Thầy trò được thực hành nhiều hơn, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn.
Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Đông Hưng Thuận, TPHCM) cho rằng, việc thực hiện chính quyền 2 cấp tạo ra những thay đổi về cơ cấu tổ chức và quản lý, tiến tới mục tiêu đảm bảo cho học sinh, giáo viên và cơ sở giáo dục được tối ưu hóa nguồn lực để nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Việc sáp nhập sẽ giúp giảm sự chênh lệch về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên và các điều kiện học tập khác giữa các khu vực, đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn.
“Theo tôi, việc sáp nhập giúp tập trung nguồn lực, giảm sự chồng chéo trong quản lý, từ đó có thể đầu tư hiệu quả hơn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và các chương trình giáo dục. Đồng thời tạo điều kiện cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Riêng tại Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, những năm qua do điều kiện không cho phép nên chỉ tổ chức cho học sinh học 1 buổi/ngày. Mong rằng tới đây chính quyền sẽ quan tâm đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện tốt hơn nữa việc dạy học theo Chương trình GDPT 2018”, bà Châu cho hay.
Bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Nga My (Nga My, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Lan tỏa thế mạnh riêng, nâng cao chất lượng chung
Việc hợp nhất ba địa phương đã đưa TPHCM trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước, không chỉ về quy mô, mà còn về sự đa dạng mô hình, nhu cầu học tập và thách thức trong công tác quản lý, điều phối nguồn lực. Đây là cơ hội lớn để ngành Giáo dục thành phố phát triển đồng đều, hiện đại hóa hệ thống và tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trước khi sáp nhập, giáo dục ở Bình Dương cũng như Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có thế mạnh riêng, chỉ khác nhau về tính hội nhập, điều kiện về cơ sở vật chất, sự đóng góp của nhân dân. Giờ đây, điều quan trọng là lan tỏa ra phát huy những thế mạnh của nhau để từng bước đưa ngành Giáo dục phát triển.
“Thực tế, TPHCM cũ là địa phương phát triển mạnh mẽ, thậm chí có một số mặt đi đầu. Riêng về giáo dục cũng vậy, trong những năm qua được đánh giá là điểm son về giáo dục. Bây giờ hòa nhập lại, sức lan tỏa của TPHCM không còn là sự riêng biệt mà như ‘anh em một nhà’”, ông Huỳnh Công Minh cho hay.
Nghệ An hiện có 130 xã phường trực tiếp quản lý hơn 1.300 trường học từ mầm non đến THCS. Để thuận lợi cho địa phương khi gánh vác thêm nhiều trọng trách mới, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.
Bà Hoàng Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội phường Trường Vinh, Nghệ An cho hay, thẩm quyền quản lý Nhà nước về giáo dục của cấp xã hiện nay đã bao gồm phần lớn chức năng nhiệm vụ của cấp huyện và phòng GD&ĐT trước đây. Theo đó, cấp xã chủ động trong xây dựng thực hiện kế hoạch giáo dục trên địa bàn phù hợp với thực tiễn cũng như chiến lược phát triển giáo dục chung của tỉnh.
Chính quyền địa phương được quyết định về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phân bổ dự toán ngân sách, vận động xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh đó còn có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng… Điều này tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho từng địa phương.
Tuy nhiên, khi thực hiện chính quyền 2 cấp, chất lượng giáo dục giữa các xã phường trong tỉnh chắc chắn khó tránh khỏi chênh lệch, đặc biệt vùng khó khăn, miền núi cao, dân tộc thiểu số so với vùng đồng bằng, thành thị.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, trước khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, sở đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên theo từng bộ môn. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cốt cán chuyên môn ở từng địa phương, cụm khu vực để hỗ trợ trong việc trao đổi, hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên.
Ngược lại trong bối cảnh mới, mỗi nhà trường cần đổi mới quản trị, xây dựng chiến lược, tầm nhìn và chương trình giáo dục phù hợp. Đối với giáo viên, cần phát huy bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết nâng cao trách nhiệm, thi đua dạy tốt học tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy học, lấy người học làm trung tâm. Mục tiêu dạy thật, học thật, chất lượng thật.
Ông Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, việc thực hiện chính quyền 2 cấp là bước đi chính xác, đáp ứng yêu cầu xu thế hiện nay. Với cơ chế tổ chức chính quyền mới sẽ tạo ra động lực cho các ngành phát triển trong đó có GD-ĐT. Vì vậy, chất lượng giáo dục phát triển, từng bước đi lên là điều dĩ nhiên.
Tất nhiên, đối với các cơ sở giáo dục, nhà trường, thầy cô phải cố gắng bắt nhịp xu thế. Cụ thể, thầy, cô giáo phải tiếp tục học tập rèn luyện để đáp ứng yêu cầu xã hội. Qua nắm bắt thực tế, giáo viên rất vui khi thực hiện chính quyền 2 cấp và xem đó là động lực để cố gắng thực hiện nhiệm vụ.
Nhóm phóng viên