Cú hích mạnh cho hạ tầng, công nghệ số

Cú hích mạnh cho hạ tầng, công nghệ số
5 giờ trướcBài gốc
Các ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Ảnh: M.H.
Đã có 21 ngân hàng tham gia
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.
Thông tin từ bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đã có 21 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng. Như vậy, sự đồng thuận ban đầu là rất đáng khích lệ. Mục tiêu của gói là hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường ít nhất 1%, thời hạn vay tối thiểu 2 năm.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành về việc này còn chưa đạt yêu cầu. Bài toán hiện nay không nằm ở quy mô vốn mà nằm ở cơ chế điều phối và xác định mục tiêu ưu tiên.
Ví dụ, NHNN rất cần xác định rõ ít nhất trong 5 năm tới, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, tỷ lệ vốn nhà nước và xã hội hóa, cung cấp các đối tượng chính xác, kế hoạch đầu tư rõ ràng, ít nhất là cần có dữ liệu ước tính gần với thực tế, từ đó NHNN cũng như các NHTM mới có thể tính toán cân đối nguồn vốn, bảo đảm gói tín dụng đi đúng hướng (nhưng hiện chưa có).
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cần nhìn nhận rõ là ngân hàng không thể thay thế vai trò điều tiết vốn đầu tư công của Nhà nước. Gói tín dụng này là chính sách hỗ trợ, nhưng nếu thiếu đồng bộ giữa vốn ngân sách và vốn tín dụng, thì hệ quả là cả hệ thống ngân hàng bị đẩy vào thế rủi ro cao. Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng đi vào thực chất.
Tìm cách gỡ rào cản
Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ cho đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số và các lĩnh vực trọng điểm. Tuy nhiên, khi chuyển từ kế hoạch sang hành động, các ngân hàng lại vấp một số vướng mắc. Trong đó, phổ biến nhất là cân đối vốn, khi phần lớn nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng vẫn mang tính ngắn hạn, thì nhu cầu vay cho các dự án hạ tầng thường kéo dài 10-20 năm, thậm chí lâu hơn. Do đó, nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc biệt, bài toán "huy động ngắn-cho vay dài" sẽ tiếp tục là rào cản.
Theo ông Tô Huy Vũ - Chủ tịch Agribank, nếu không được nới hạn mức tín dụng hoặc hỗ trợ cho Agribank tăng vốn điều lệ, thì khả năng cho vay các dự án lớn sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ, hiện nay một số khách hàng đã "kịch trần" hạn mức cho vay, dù dự án cấp thiết cũng không thể giải ngân thêm vì vướng quy định.
Bên cạnh đó, cần thiết kế cơ chế tín dụng trung dài hạn phù hợp hơn. Ví dụ, có thể cho phép ngân hàng được trích lập rủi ro linh hoạt hơn đối với các khoản vay hạ tầng, hoặc chấp nhận tỷ lệ an toàn vốn tạm thời thấp hơn. Nếu không, như nhiều lãnh đạo NHTM lo ngại, việc "cố" cho vay dài bằng vốn ngắn sẽ khiến hệ thống đối diện rủi ro thanh khoản.
Đối với lĩnh vực công nghệ số, một trong hai trụ cột chính của gói tín dụng, thì tình hình còn phức tạp hơn. Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin (NHNN), khó khăn không chỉ đến từ đặc thù tài sản đảm bảo (phần mềm, mã nguồn, bằng sáng chế...), mà còn nằm ở việc thẩm định hiệu quả đầu tư.
Nhiều sản phẩm công nghệ có vòng đời ngắn, mới ra đời thì hiện đại nhưng nhanh lạc hậu và khó định giá. Thêm vào đó, hành lang pháp lý về công nghệ mới, như blockchain, AI, tài sản số… vẫn còn mờ nhạt. Vì vậy, nếu không có cơ chế riêng cho các dự án công nghệ cao, ngân hàng khó có thể "mạnh tay" giải ngân, dù nhu cầu là rất lớn.
T.Hằng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/cu-hich-manh-cho-ha-tang-cong-nghe-so-10305084.html