'Cú nổ' chấn động lịch sử, từ bạn hóa thù giữa Mỹ và Iran

'Cú nổ' chấn động lịch sử, từ bạn hóa thù giữa Mỹ và Iran
3 giờ trướcBài gốc
Quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi (thứ hai từ trái) hội kiến với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (thứ hai từ phải) năm 1977. (Nguồn: Alamy)
Dù có những nguyên nhân sâu xa, nhưng vụ việc rúng động bắt giữ con tin 45 năm trước có thể được xem như “giọt nước tràn ly” khiến quan hệ Mỹ-Iran rơi vào hố sâu ngăn cách.
Từng là đồng minh
Nhìn những căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong thời điểm hiện tại, ít ai tin được rằng, hai nước từng là những đồng minh thân cận nhất vào thời điểm bùng nổ cuộc đối đầu mang tên Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến II.
Khi đó, Iran, dưới thời Quốc vương (Shah) Pahlavi trị vì, từng được coi là “người bạn không thể thiếu” với Mỹ, là nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng cho Washington cũng như “tiền đồn” chống lại ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực.
Mỹ và Anh hỗ trợ Quốc vương Pahlavi trong việc duy trì quyền lực, thậm chí hậu thuẫn cuộc đảo chính năm 1953 lật đổ Thủ tướng dân cử Iran Mohammed Mossadegh, người đã tiến hành quốc hữu hóa ngành dầu mỏ.
Sự can thiệp của Mỹ vào chính trị Iran, cùng với chế độ quân chủ ngày càng chuyên quyền ở quốc gia Trung Đông gây ra sự bất mãn trong người dân nước này, dẫn đến cuộc Cách mạng Hồi giáo “long trời lở đất” năm 1979.
Đại giáo chủ Ayatollah Khomeini, người từng bị Quốc vương Pahlavi trục xuất từ năm 1964, đã trở về nước lãnh đạo người dân Iran tiến hành cuộc cách mạng, lật đổ chế độ quân chủ, chuyển đất nước sang chính thể Cộng hòa Hồi giáo.
Dù bất ngờ trước sự thay đổi này, Mỹ vẫn không lập tức đối đầu với Iran. Phải đến tháng 11/1979, cuộc khủng hoảng ngoại giao thực sự giữa hai nước mới bùng nổ sau khi các sinh viên Iran bắt giữ 63 con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bao gồm cả Đại biện.
Giọt nước tràn ly
Ngày 4/11/1979, khoảng 500 sinh viên Iran thuộc tổ chức Muslim Student Follower tấn công Đại sứ quán Mỹ, bắt giữ 63 con tin. Lý do chính là việc chính quyền Washington cho phép Quốc vương bị lật đổ Pahlavi sang Mỹ điều trị ung thư.
Theo kênh truyền hình Mỹ History, vụ tấn công không chỉ liên quan việc chăm sóc y tế cho Quốc vương Pahlavi mà đây là cách mà các sinh viên cách mạng Iran muốn tuyên bố sự cắt đứt với quá khứ, khẳng định quyền tự quyết của Cộng hòa Hồi giáo cũng như chấm dứt sự can thiệp của Mỹ. Đại giáo chủ Ayatollah Khomeini, người đứng đầu chính phủ Iran, đã từ chối mọi yêu cầu từ quốc tế, bao gồm cả của Liên hợp quốc, về việc thả con tin.
Sau hai tuần bắt giữ, Iran đồng ý thả những con tin không phải người Mỹ, phụ nữ và người thuộc các dân tộc thiểu số, nhưng 52 công dân Mỹ còn lại vẫn bị giam giữ trong suốt 14 tháng tiếp theo. Hình ảnh các con tin bị bịt mắt và khống chế đã tạo ra làn sóng giận dữ ở Mỹ và gây sức ép buộc chính phủ phải có hành động mạnh mẽ.
Tháng 2/1980, Iran yêu cầu Mỹ phải trao trả Quốc vương Pahlavi để xét xử tại Tehran và xin lỗi vì các hành động trong quá khứ. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từ chối, sau đó cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và đóng băng tài sản của quốc gia Trung Đông.
Cuộc khủng hoảng con tin đánh dấu sự khởi đầu cho quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran, khiến quan hệ này từ đồng minh chuyển thành đối đầu. Từ đó đến nay, sự “băng giá” trong quan hệ hai nước vẫn tồn tại, phản ánh những biến động trong quan hệ quốc tế và chính trị.
Vào năm 2015, 36 năm sau vụ bắt cóc, kiện tụng đòi quyền lợi, mỗi con tin trong cuộc khủng hoảng được Mỹ bồi thường 4,4 triệu USD.
Giải cứu thất bại
Trước sức ép giải cứu con tin, Tổng thống Jimmy Carter đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch hành động. Chiến dịch mang tên “Móng vuốt đại bàng” được giao cho lực lượng biệt kích tinh nhuệ nhất nước này, Delta thực hiện.
Chiến dịch tiến hành trong hai đêm, bắt đầu vào ngày 24/4/1980, có sự tham gia của nhiều đơn vị quân đội Mỹ, bao gồm Không quân, Hải quân, Lục quân và lính thủy đánh bộ.
Theo kế hoạch, vào đêm đầu, 8 trực thăng sẽ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz ở Biển Arab tới Desert 1, một khu vực bí mật ở miền Trung Iran, để đón đội biệt kích Delta di chuyển từ một căn cứ ở Oman đến. Tám trực thăng sẽ đưa đội biệt kích Delta đến Desert 2, cách Tehran 80 km về phía Nam, để ẩn náu chờ thời gian hành động. Vào đêm thứ hai, đội biệt kích sẽ di chuyển bằng xe tải vào Tehran để xâm nhập Đại sứ quán Mỹ giải cứu các con tin.
Tuy nhiên, chiến dịch không diễn ra như dự kiến. Khi đến Desert 1, các trực thăng gặp sự cố kỹ thuật và chiến dịch buộc phải hủy bỏ. Khi rút lui, một máy bay C-130 chở nhiên liệu và binh sĩ va chạm với máy bay vận tải quân sự EC-130E, gây nổ lớn khiến 8 quân nhân thiệt mạng. “Móng vuốt đại bàng” thất bại, không có con tin nào được giải cứu.
Ngày 27/7/1980, Quốc vương Pahlavi qua đời tại Cairo. Các sinh viên Hồi giáo tuyên bố sẽ không thả con tin cho đến khi tài sản của nhà vua được trả lại. Đến tháng 9/1980, Đại giáo chủ Ayatollah Khomeini đưa ra bốn điều kiện để thả con tin, bao gồm việc Mỹ phải trả lại tài sản của Pahlavi, giải phóng tài sản của Iran bị đóng băng, hủy bỏ các biện pháp trừng phạt và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.
Nhiều sử gia nhận định, cuộc khủng hoảng con tin ở Iran đã cản bước ông Jimmy Carter tới nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Chính cựu Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, thất bại của “Móng vuốt đại bàng” đã góp công lớn cho chiến thắng của đối thủ Cộng hòa Ronald Reagan trong cuộc bầu cử năm 1980.
Các con tin trở về Mỹ vào ngày 25/1/1981, năm ngày sau khi được Iran phóng thích. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Ngoại giao vào cuộc
Vai trò của các nhà ngoại giao Algeria được biết đến rộng rãi trong việc làm trung gian hòa giải giữa hai bên. Nhưng ít ai biết rằng, Đức cũng đóng một vai trò quan trọng mà mãi sau này mới được tiết lộ. Vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, 20/1/1981, Tổng thống Jimmy Carter từng nói: “Người Đức đã giúp đỡ theo cách mà tôi có thể không bao giờ tiết lộ công khai cho thế giới”.
Nhà sử học Frank Bosch và Tạp chí Die Spiegel sau đó đã làm sáng tỏ lời gọi mở trên, với vai trò then chốt của Đại sứ Đức tại Iran Gerhard Ritzel. Ông Ritzel được bổ nhiệm làm Đại sứ Đức tại Tehran vào năm 1977, khi Quốc vương Pahlavi của Iran vẫn còn tại vị. Nhưng ngay từ sớm, ông đã thiết lập các mối quan hệ với các nhóm đối lập Hồi giáo chính thống, bao gồm cả những người sẽ nắm quyền lực sau cuộc Cách mạng 1979.
Sau khi Đại giáo chủ Ayatollah Khomeini trở lại Iran và giành chính quyền, ông Ritzel đã khôn khéo duy trì liên hệ, mô tả ông Ayatollah Khomeini là “người nhân đạo”, nhấn mạnh khả năng hợp tác giữa phương Tây và chế độ mới.
Khi cuộc khủng hoảng con tin kéo dài và trở nên căng thẳng, Đức đóng vai trò cầu nối quan trọng trong các cuộc đàm phán bí mật.
Tehran lo ngại Washington sẽ tiến hành tấn công trả đũa, đồng thời mong muốn nhận lại khoản tiền 12 triệu USD bị đóng băng tại các ngân hàng Mỹ cùng khối tài sản của Shah. Cuộc chiến tranh Iran - Iraq nổ ra vào ngày 22/9/1980 cũng góp phần làm thay đổi động lực đàm phán khi Tehran cần tập trung đối phó với mối đe dọa mới.
Tháng 5/1980, các quan chức cấp cao Mỹ, như Ngoại trưởng Edmund Muskie, bắt đầu tiếp xúc với Đại sứ Đức Ritzel để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Ông Ritzel sau đó gặp gỡ Đại giáo chủ Ayatollah Khomeini tại Mashhad để truyền tải các thông điệp từ Washington và tìm cách thuyết phục lãnh đạo Iran.
Khoảng một tuần sau, các cuộc đàm phán bí mật diễn ra tại nhà khách Bộ Ngoại giao Đức ở Bonn, do Ngoại trưởng nước chủ nhà Hans Dietrich Genscher điều phối. Dưới sự trung gian kiên nhẫn và khôn khéo của Đức, cuối cùng các bên đi đến việc ký kết thỏa thuận vào ngày 19/1/1981, theo đó Mỹ cam kết hủy bỏ các biện pháp đóng băng tài sản của Iran, đổi lại, Tehran thả toàn bộ con tin.
Ngày 20/1/1981, cùng ngày ông Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 40, toàn bộ 52 con tin Mỹ cuối cùng được trả tự do. Họ được đưa đến căn cứ Không quân Mỹ tại Wiesbaden, Đức, khép lại cuộc khủng hoảng con tin dài nhất trong lịch sử ngoại giao nước Mỹ.
Theo nhà sử học người Đức Frank Bosch, nếu không có sự trung gian của quốc gia Trung Âu, thỏa thuận này có thể đã không thể đạt được.
Cuộc khủng hoảng con tin tại Iran không chỉ là bài học về ngoại giao và xung đột chính trị, mà còn là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của thương lượng trong việc giải quyết xung đột quốc tế.
Dù qua nhiều thập kỷ, bài học từ năm 1979 vẫn để lại dư âm trong mối quan hệ Mỹ-Iran ngày nay và tiếp tục được nhắc nhở trong bối cảnh những thách thức hiện tại, như câu chuyện về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và các cuộc xung đột khu vực tại Trung Đông chưa có hồi kết.
Tuy nhiên, liệu sự thấu hiểu và đối thoại có thể làm dịu những bất hòa kéo dài hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Hoàng Hà (tổng hợp)
Hoàng Hà
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/cu-no-chan-dong-lich-su-tu-ban-hoa-thu-giua-my-va-iran-293741.html