Củ sắn giá rẻ 'bèo', đem xuất khẩu thu gần 400 triệu USD một quý

Củ sắn giá rẻ 'bèo', đem xuất khẩu thu gần 400 triệu USD một quý
13 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của sắn Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 487.670 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3, đạt kim ngạch 139,19 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng sắn xuất khẩu đã tăng gần 56% nhưng giá trị lại giảm nhẹ hơn 1%.
Tính chung quý I, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,21 triệu tấn, trị giá 372,88 triệu USD, tăng 28% về lượng nhưng giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu bình quân sụt giảm mạnh.
Cụ thể, giá xuất khẩu sắn trung bình trong tháng 3 chỉ đạt 285,4 USD/tấn, giảm tới 37% so với tháng 3 năm trước. Tính bình quân cả 3 tháng đầu năm, giá xuất khẩu loại nông sản này đạt 307,8 USD/tấn, thấp hơn 32% so với cùng kỳ.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của sắn Việt Nam với sản lượng nhập khẩu 1,15 triệu tấn trong quý I, tương đương 349,48 triệu USD. Đáng chú ý, mặt hàng tinh bột sắn đang được thị trường này đẩy mạnh thu mua, chiếm tới 48,49% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một số thị trường khác như Malaysia, Philippines, Nhật Bản và Pakistan cũng gia tăng nhập khẩu sắn từ Việt Nam trong tháng 3. Riêng thị trường Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng đột biến 140% về lượng và 64% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, xuất khẩu sắn sang Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc lại giảm rõ rệt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có trên 40 tỉnh/thành trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tổng diện tích trồng sắn vào khoảng 520.000-550.000 ha với năng suất 19-20 tấn/ha và tổng sản lượng hơn 10 triệu tấn củ tươi.
Cả nước hiện có hơn 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm. Nhưng công suất thực tế mới đạt khoảng 9,3 triệu tấn. Riêng khu vực Đông Nam Bộ chiếm hơn một nửa số nhà máy với khoảng 70 cơ sở chế biến.
Theo đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”, mục tiêu đặt ra là nâng sản lượng sắn tươi cả nước lên khoảng 11,5-12,5 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, khoảng 85% sẽ được dùng để chế biến sâu thành tinh bột, mì chính và các sản phẩm khác.
Ngoài ra, diện tích trồng sắn bằng giống đạt chuẩn chất lượng được kỳ vọng đạt 40-50%; diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn cùng các sản phẩm từ sắn sẽ chạm mốc 1,8-2 tỷ USD.
Minh Khánh
Nguồn Znews : https://znews.vn/cu-san-gia-re-beo-dem-xuat-khau-thu-gan-400-trieu-usd-mot-quy-post1550423.html