Bắp cải tăng giá mạnh ở Nhật Bản. Ảnh: Japan Today.
"Thủ phạm" của đợt thiếu hụt và tăng giá này là biến đổi khí hậu. Nhiệt độ mùa hè kỷ lục và mưa lớn năm ngoái đã phá hủy mùa màng, đẩy giá rau xanh lên cao, theo như phương tiện truyền thông Nhật Bản gọi là "cú sốc bắp cải".
Rau củ tăng giá khiến người mua sắm và các nhà hàng thêm đau đầu. Họ vốn đã chịu ảnh hưởng của lạm phát, với hóa đơn tiền điện cùng giá các mặt hàng chủ lực từ gạo đến bột mì và dầu ăn đều tăng.
"Đắt kinh khủng"
Katsukichi, nhà hàng ở khu Shinagawa của Tokyo, cung cấp bắp cải miễn phí cùng với các miếng cốt lết chiên giòn ngon ngọt - một thông lệ thường thấy với tonkatsu. Nhưng theo Bộ Nông nghiệp, giá bắp cải hiện nay đắt hơn bình thường gấp ba lần nên nhà hàng đã phải làm mỗi suất ăn nhỏ hơn một chút.
"Tôi đã sẵn sàng ứng phó khi giá bột mì bắt đầu tăng, nhưng giá bắp cải thì không", đầu bếp Katsumi Shinagawa nói, giải thích rằng "tonkatsu và bắp cải giống như những người bạn không thể tách rời".
"Bắp cải bán ở siêu thị hiện nay đắt kinh khủng. Bắp cải cỡ nửa thường có giá khoảng 100 yen/phần, nhưng giờ giá lên tới 400 yen".
Món tonkatsu thường ăn kèm với bắp cải cũng bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá rau củ. Ảnh: NYT Cooking.
"Cú sốc bắp cải" đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội, khiến nhiều người dùng kinh ngạc khi một cây bắp cải gần đây được bán với mức giá cao ngất ngưởng là 1.000 yen tại một siêu thị ở khu vực Hyogo.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ bắp cải sẽ trở nên đắt đỏ đến mức như vậy", một người dùng than thở trên X.
Biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và nắng nóng dữ dội hơn trên toàn thế giới. Năm ngoái, Nhật Bản trải qua mùa hè nóng nhất kể từ khi có số liệu thống kê, tiếp theo là mùa thu ấm nhất lịch sử.
Morihisa Suzuki từ liên đoàn hợp tác xã nông nghiệp ở Aichi, một trong những vùng trồng bắp cải lớn nhất Nhật Bản, cho biết: "Trời quá nóng đến nỗi một số cây bắp cải bị cháy xém. Nhiệt độ cao làm chúng mất nước và héo úa".
Những ngày mưa cục bộ dữ dội, sau đó là thời kỳ khô hạn kéo dài với ít ánh nắng mặt trời đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhóm này cho biết hậu quả là nông dân ở Aichi đang phải vật lộn với sản lượng ước tính thấp hơn 30% so với bình thường.
Đồng loạt tăng giá
Nước láng giềng Hàn Quốc - nơi người dân lên men một loại bắp cải khác để làm món ăn kèm quan trọng là kim chi - cũng bị ảnh hưởng. Dữ liệu của chính phủ cho thấy vào giữa tháng 1, giá bắp cải đã tăng vọt 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Shin Mi-ja, một người bán hàng ở Seoul, nói rằng giá bắp cải cao "vì nắng nóng và mưa lớn". Bà cho biết: "Giá rau nói chung đã tăng, vì vậy mọi người không thực sự muốn mua bắp cải, ngay cả khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần".
Ở Nhật Bản, thời tiết nóng cũng khiến rau diếp, hành lá và củ cải trắng đắt hơn. Và giá gạo đang tăng vọt sau khi vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và tình trạng thiếu nước.
Dữ liệu lạm phát chính thức công bố hôm 24/1 cho thấy giá ngũ cốc đã tăng vọt 64,5% vào tháng 12 so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tiêu dùng chung tăng 3,6%, hoặc 3,0% khi điều chỉnh theo giá thực phẩm. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm bùng phát đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trứng, đẩy giá trứng lên cao.
Sản lượng bắp cải giảm mạnh vì biến đổi khí hậu. Ảnh: Oishii.
Theo công ty nghiên cứu Teikoku Databank, Nhật Bản chứng kiến con số kỷ lục 894 nhà hàng phá sản vào năm ngoái do lạm phát, đồng yen rẻ hơn và các khoản trợ cấp của chính phủ thời kỳ đại dịch kết thúc.
Teikoku dự kiến vào năm 2025 khoảng 6.000 mặt hàng thực phẩm, từ bánh mì đến bia và mì, tăng giá. Và chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tuần này cho biết họ sẽ tăng giá trên toàn quốc đối với cơm nắm onigiri, sushi và các mặt hàng làm từ gạo khác.
Tuy nhiên, đầu bếp Shinagawa không muốn chuyển mức giá tăng sang cho khách hàng của mình. "Hiện tại, chúng tôi vẫn đang cố gắng", ông nói.
Lê Vy