Ảnh Shafaq
Phát biểu với tờ Shafaq News hôm thứ Hai (21/7), ông Abdul Rabeh cho biết động thái chấm dứt thỏa thuận đường ống năm 1973 của Ankara - được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan công bố và đăng trên Công báo - báo hiệu sự điều chỉnh chiến lược trong chính sách năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, và phản ánh mức độ bất mãn của Ankara về phán quyết của trọng tài quốc tế - vốn có lợi cho Iraq.
“Quyết định không nối lại hoạt động bơm dầu qua tuyến đường ống Kirkuk-Ceyhan cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển hướng khỏi các hợp đồng trước đây với Iraq”, ông Abdul Rabeh nói. “Điều này cũng cho thấy sự phụ thuộc quá mức của Iraq vào các tuyến đường xuất khẩu phía Nam, nơi hiện xử lý hơn 90% tổng lượng dầu thô xuất khẩu”.
Việc đình chỉ xuất khẩu dầu qua đường ống này bắt nguồn từ tháng 3/2023, khi một tòa án trọng tài quốc tế tại Paris yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bồi thường thiệt hại cho Iraq 1,4 tỷ đô la. Phán quyết này xuất phát từ một tranh chấp pháp lý kéo dài, liên quan đến việc Chính quyền Khu vực Kurdistan (KRG) đơn phương xuất khẩu dầu qua đường ống Kirkuk-Ceyhan, mà Baghdad cho là vi phạm thẩm quyền hiến định.
Theo Thủ tướng KRG Masrour Barzani, kể từ phán quyết này, hoạt động xuất khẩu dầu của cả KRG và các mỏ dầu Kirkuk đã hoàn toàn dừng lại, khiến Iraq thiệt hại ước tính 20 tỷ đô la doanh thu.
Chuyên gia kinh tế Abdul Rabeh nhấn mạnh Ankara đang lợi dụng thời điểm sắp hết hạn thỏa thuận dầu mỏ giữa hai nước - dự kiến vào tháng 7/2026 - làm vùng đệm pháp lý, giúp nước này tránh tuân thủ ngay lập tức phán quyết trọng tài, vì hai bên chuẩn bị bước vào vòng đàm phán lại hợp đồng theo các điều khoản có lợi hơn.
“Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày sự thiếu hụt dự phòng về cơ sở hạ tầng xuất khẩu của Iraq”, chuyên gia Abdul Rabeh cảnh báo. “Vì gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các cảng phía nam Basra, Iraq ngày càng dễ bị tổn thương trước tình trạng tắc nghẽn hậu cần, bất ổn chính trị và tình trạng bị phá hoại”.
Ông Abdul Rabeh kêu gọi một chiến lược quốc gia cấp bách nhằm đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng của Iraq. Các giải pháp thay thế được đề xuất bao gồm đẩy nhanh tiến độ phát triển đường ống dẫn dầu Iraq-Jordan, khôi phục các cuộc đàm phán về việc tiếp cận đường ống dẫn dầu SUMED của Ai Cập và mở rộng năng lực tại các cảng phía Nam.
Ông Abdul Rabeh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp chính trị nội bộ, đặc biệt là giữa Baghdad và Erbil, nhằm tạo ra một cách tiếp cận thống nhất trong quản lý dầu mỏ. "Cần kích hoạt các thỏa thuận với SOMO và thống nhất các chiến lược xuất khẩu giữa Baghdad và KRG", ông nói.
Ông cho biết thêm Iraq nên sử dụng dự án cơ sở hạ tầng "Con đường Phát triển" - một hành lang kinh tế trọng điểm nối Basra với Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu - làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Ankara. "Việc kết nối hợp tác năng lượng với các ưu đãi thương mại có thể củng cố vị thế của Iraq".
Kết thúc mối quan hệ hợp tác 50 năm
Thỏa thuận đường ống dẫn dầu Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq năm 1973 đã củng cố hơn năm thập kỷ hợp tác năng lượng song phương, cho phép Iraq vận chuyển hàng triệu thùng dầu thô từ Kirkuk đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này, được cập nhật nhiều lần vào các năm 1976, 1981, 1986 và 2011, và đã được gia hạn theo một nghị định thư quan trọng năm 2010, trong đó bao gồm các điều khoản trọng tài quốc tế theo luật pháp Pháp.
Năm 2014, Baghdad đã đệ đơn lên trọng tài sau khi KRG bắt đầu xuất khẩu dầu độc lập qua đường ống Kirkuk-Ceyhan. Phán quyết năm 2023 của tòa án, có lợi cho Iraq, đã đánh dấu một bước ngoặt về mặt pháp lý và thương mại của thỏa thuận.
Vào ngày 17/7, Nội các Iraq đã phê duyệt một thỏa thuận nội bộ mới với KRG để tái khởi động dòng chảy dầu thô này. Thỏa thuận này ấn định mức phí vận chuyển cố định là 16 đô la một thùng và bao gồm các khoản trợ cấp chi phí khai thác, nhưng cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối mở lại đường ống này.
Abdul Rabeh kết luận rằng mặc dù động thái của Thổ Nhĩ Kỳ gây ra những rủi ro tức thời cho năng lực xuất khẩu của Iraq, nhưng nó cũng mang đến một cơ hội. "Nếu Baghdad nắm bắt thời cơ này để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng năng lượng và thống nhất mặt trận nội địa, đất nước có thể vươn lên với một hệ thống xuất khẩu mạnh mẽ và bền vững hơn".
Yến Anh
Shafaq